TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA Việt Nam trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác |
Dự án được triển khai thực hiện sẽ góp phần thực hiện một trong những nhiệm vụ được ưu tiên là phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động; ưu tiên đầu tư phát triển Giáo dục nghề nghiệp đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho mọi người lao động học nghề, lập nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo thực hiện công bằng xã hội.
Đối tượng thụ hưởng dự án gồm một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện để đào tạo cho nhóm yếu thế là các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc màu da cam, phụ nữ, người khuyết tật và người nghèo…
"Biên bàn ghi nhớ ký kết sẽ là cơ sở cho việc thúc đẩy và triển khai thực hiện dự án nhằm hỗ trợ cho một bộ phận người yếu thế tại Việt Nam, giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm và hòa nhập xã hội tốt hơn trong tương lai", TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại lễ ký kết.
TS. Trương Anh Dũng cũng bày tỏ hy vọng sau khi biên bản ghi nhớ được ký kết, KOICA sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để triển khai các hoạt động một cách hiệu quả, đáp ứng tiến độ đề ra. Mong KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án tiếp theo nhằm tăng cường khai thác hiệu quả cũng như lan tỏa những kết quả đầu tư đã đạt được trong giai đoạn trước đây.
Được biết Việt Nam hiện có hơn 6,7 triệu người khuyết tật (trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 58%). Thời gian qua, nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật được ban hành. Đặc biệt, Luật Người khuyết tật được coi là luật khung thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật, quy định toàn diện các chính sách về trợ cấp, chăm lo giáo dục, y tế, phục hồi chức năng, đảm bảo an sinh xã hội... Cả nước hiện đang thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn một triệu người khuyết tật, hình thành mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho các đối tượng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả người khuyết tật đều được hỗ trợ. Nhiều chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật nghèo được quan tâm, tạo điều kiện để vươn lên ổn định cuộc sống.
Việt Nam cũng đã thông qua Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Qua đó, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết trong bảo đảm người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm.