Phát biểu khai mạc cuộc Họp báo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, trong thập kỷ qua, M&A nổi lên như 1 kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, thông qua các thương vụ M&A, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao.
Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động M&A tiếp tục diễn ra sôi động. Giá trị các thương vụ trong năm 2015 đạt 5,2 tỷ USD và nửa đầu năm 2016 đạt trên 3 tỷ USD với nhiều thương vụ M&A có quy mô lên đến tỷ USD, có tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế.
Đồng hành cùng sự phát triển của thị trường, trong 7 năm qua, Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức dưới dự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thu hút sự tham dự của hơn 300 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A của Việt Nam và quốc tế, trên 3.000 lãnh đạo cấp cao của các công ty nước ngoài, quỹ đầu tư quốc tế, tổng công ty nhà nước và tập đoàn tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.
Quang cảnh cuộc Họp báo giới thiệu hoạt động của diễn đàn M&A 2016 sáng 25/7 |
"Năm 2016 đánh dấu một mốc quan trọng về hội nhập quốc tế khi Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định tự do song phương với EU, Hàn Quốc và một số nước, khu vực khác. Một tầm nhìn mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư vào một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư đang tiếp cận không phải chỉ một thị trường đơn lẻ, mà là một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân với lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh", ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định.
Phát biểu tại cuộc Họp báo, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam và tin tưởng rằng Diễn đàn năm nay sẽ tập trung đánh giá đúng những cơ hội và thách thức mới, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường M&A phát triển thuận lợi, mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi từ các thương vụ M&A như xu hướng thâu tóm, triệt tiêu thương hiệu nội, trốn thuế trong quá trình chuyển nhượng, mua bán doanh nghiệp. Diễn đàn cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo tiền đề cho việc hình thành các thương vụ mới", Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu.
Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo năm nay sẽ là một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu MAF dự báo, trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD, tức là xác lập kỷ lục mới. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A tỷ USD, những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.
Diễn đàn M&A Vietnam 2016 sẽ bao gồm 4 hoạt động chính:
1 - Chương trình Hội thảo thường niên
M&A Vietnam Forum 2016 sẽ dành thời gian để đánh giá về thị trường M&A khu vực và Việt Nam năm 2015 – 2016 và triển vọng 2016 - 2020 dưới tác động của không gian kinh tế mở. Hội thảo sẽ đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP đến thị trường M&A; phân tích các cơ hội M&A và đầu tư tại Việt Nam trong không gian kinh tế mở khi Việt Nam tham gia sâu vào các khu vực kinh tế chung như AEC, TPP… Các cuộc đua trong các ngành, lĩnh vực sẽ được phân tích, bình luận bởi các chuyên gia và những người trong cuộc. Ngoài ra, kinh nghiệm tạo lập vốn cho thương vụ M&A cùng chiến lược M&A của các doanh nghiệp cũng sẽ được chia sẻ và trao đổi tại Diễn đàn năm nay.
2- Chương trình kết nối đầu tư MAF EXPO
Chương trình kết nối đầu tư lớn nhất trong năm – MAF EXPO 2016 cũng sẽ được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho bên mua, bên bán và các nhà tư vấn gặp gỡ để kết nối các thương vụ. Chương trình này cũng là một hoạt động hỗ trợ công tác quan hệ nhà đầu tư cho các công ty niêm yết, công ty đại chúng nhằm giúp công chúng và các nhà đầu tư có thêm thông tin chính thống phục vụ công tác đầu tư.
3- Bình chọn, trao thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2015 – 2016
Nhằm tôn vinh những thương vụ và người tạo lập thương vụ, hàng năm Ban tổ chức triển khai chương trình Bình chọn và trao Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu Việt Nam. Các thương vụ này sẽ được công bố chính thức tại Gala Dinner ngày 18/08/2016 tại TP.HCM.
4- Khóa đào tạo Chiến lược M&A: Thâu tóm và chống thâu tóm
Với sự tham gia giảng dạy của TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua lại, sáp nhập và liên kết, khóa đào tạo M&A thâu tóm và chống thâu tóm sẽ tiếp tục được tổ chức vào hai ngày 19 – 20/08/2016 nhằm cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về thâu tóm và chống thâu tóm cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với các sự kiện trọng tâm của M&A Việt Nam 2016, Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2016 – Vietnam M&A Outlook 2016” song ngữ Anh – Việt, nhằm giúp doanh nghiệp kết nối đầu tư theo hình thức M&A, quảng bá hình ảnh và giới thiệu dịch vụ, sản phẩm đến khách hàng tiềm năng.