Với chủ đề “Cơ hội trong không gian kinh tế mở”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 sẽ được tổ chức vào ngày 18/8/2016 tại TP. HCM, bao gồm các hoạt động hội thảo, phổ biến kiến thức và kết nối đầu tư... Ảnh: Chí Cường |
Diễn đàn với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở” với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sự kiện thường niên để lãnh đạo các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, đánh giá thực trạng và xu hướng M&A tại Việt Nam, khung khổ pháp lý, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cơ hội hợp tác, đầu tư trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Diễn đàn đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A, cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho biết, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD thì năm 2015 tổng giá trị các thương vụ M&A đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…
Diễn đàn M&A Việt Nam 2015: Đại tiệc sôi động cho giới đầu tư
Theo GS-TS Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA), tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có bước tiến trong bảng xếp hạng hoạt động M&A toàn cầu, khi vươn lên xếp vị trí thứ 20, với gần 400 giao dịch. Trong khi đó, năm ngoái, Việt Nam xếp thứ 24 trong vị trí toàn cầu, với 339 giao dịch.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam chỉ xếp thứ 55 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì vị trí 20 về M&A là đáng chú ý đối với các nhà đầu tư. Xét về quốc gia các công ty mục tiêu, 219 thương vụ đã được công bố gần đây đều có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Chí Cường |
Theo ông Lê Trọng Minh, Diễn đàn M&A 2016 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bước sang một chu kỳ phát triển mới trong một không gian kinh tế mới, với những thuận lợi và thách thức đan xen.
Thứ nhất, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Trong đó Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 - 7%/năm, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là năm mở đầu nhiệm kỳ mới của Quốc hội và Chính phủ mới.
Thứ hai, các chuyển động chính sách gần đây như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2015 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được trình Chính phủ ban hành đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư - kinh doanh. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...
Thứ ba, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang và sẽ diễn ra sâu rộng chưa từng có, với việc thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, không gian kinh tế của Việt Nam đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Không gian kinh tế mới này đang mở ra cơ hội mới, sân chơi mới cho cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ tư, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, thiên tai, hạn hán liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi; sự cố gây ô nhiễm môi trường của Formosa tác động tiêu cực tới một số tỉnh miền Trung. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút vốn FDI tăng cao, nhưng tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ năm trước; một số khu vực như nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm, nguy cơ lạm phát vẫn còn tiềm ẩn, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước…
Quang cảnh tại lễ Họp báo. Ảnh: Chí Cường |
Trong bối cảnh đó, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng các cơ hội được mở ra từ hội nhập quốc tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững đang trở thành nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết đối với chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường M&A phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Ông Đặng Xuân Minh Tổng giám đốc Công ty AVM, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Trong đó quy mô của hai thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24,8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu 2016.
Điều này thể hiện xu hướng các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Các thương vụ đáng chú ý trong lĩnh vực này như Vingroup mua lại Ocean Mart để phát triển thành VinMart, thương vụ dự định mua lại Metro của tập đoàn Thái Lan và gần nhất là Aeon của Nhật bản đầu tư vào Citimart và Fivimart.
Các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. |
Tuy không có nhiều thương vụ diễn ra, nhưng ngành sản xuất thực phẩm và bán lẻ lại có những thương vụ tỷ đô với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại. Trong ngành bán lẻ, thương vụ đáng chú ý nhất đó là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt. Cũng trong ngành bán lẻ, thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không được tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn, đây cũng là một thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác đó là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.
Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội chiếm đa số với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu là thương vụ quy mô vừa và nhỏ quanh mức 5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 30 – trên 100 triệu USD. Đáng chú ý, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Ông Đặng Xuân Minh Tổng giám đốc Công ty AVM, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn phát biểu lại Họp báo. Ảnh: Chí Cường |
Thái lan, Nhật bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt nam. Trong khi Nhật bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, và Thái lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.
Các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước. Ngành ngân hàng đã bước vào ổn định dần sau các thương vụ tái cấu trúc và sắp xếp của ngân hàng nhà nước và phát triển thêm xu hướng đầu tư vào các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tài chính tiêu dùng.