Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 624 trang trại, giảm 108 trang trại so với năm 2021 do chuyển hoạt động sang các hình thức kinh doanh như doanh nghiệp, hợp tác xã...
Tổng giá trị sản xuất của các trang trại tương đối lớn, với mức trung bình đạt 1,26 tỷ đồng/trang trại. Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi cho giá trị sản xuất lớn hơn các loại hình trang trại khác, khả năng quay vòng vốn nhanh. Đó cũng là ưu thế khi phát triển trang trại chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách khuyến khích phát triển trang trại trên địa bàn tỉnh chưa thực sự đem lại hiệu quả, số trang trại được nhận hỗ trợ từ địa phương còn thấp. Đó cũng là vấn đề cần lưu ý khi để phát triển trang trại của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.
Kinh tế trang trại đã góp phần tích cực trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng hơn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nhiều chủ trang trại đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như kỹ thuật chăn nuôi lợn hướng nạc, gà công nghiệp, biết lựa chọn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý đạt hiệu quả kinh tế cao.
Một số chủ trang trại có vốn lớn mua sắm trang thiết bị từng bước thực hiện cơ giới hoá vào quá trình sản xuất như ô tô, máy kéo, máy bơm, hệ thống cung cấp thức ăn, uống tự động, xây dựng chuồng trại, và các trang thiết bị tiên tiến khác vào sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, nên tiêu thụ sản phẩm tốt;
Từ đó, các trang trại có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên đã chủ động trong vấn đề đầu ra, giá cả ổn định, đem lại hiệu quả tương đối cao, đặt biệt là yên tâm tổ chức sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các công trình khí sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải để đảm bảo các yếu tố môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng sử dụng điện mặt trời cũng đã bắt đầu được các trang trại áp dụng, hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh có 27/624 trang trại đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Các trang trại đã bắt đầu chú trọng việc hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trang trại tiêu thụ qua chuỗi liên kết, giúp tăng cường tiếp cận thị trường tiêu thụ, tiến tới sản xuất bền vững và mở rộng sản xuất.