Doanh nhân
Tổng Giám đốc Amigo: Thắng nhờ lối chơi của tình bằng hữu
Anh Hoa - 29/12/2014 13:54
Một “cuốn băng” của tình bạn đã chạy qua thời khởi nghiệp, có lúc bị rối tưởng đứt giữa chừng, nhưng họ vẫn cùng nhau vận hành công ty chạy tiếp trong các trận đấu còn lại với ý nghĩ của người dẫn đầu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
"Chưa bằng lòng vì thu nhập nhân viên vẫn thấp"
Doanh nhân Việt và tinh thần “hiệp đồng tác chiến”
Nữ doanh nhân triệu đô Đặng Thị Hoàng Phượng
Doanh nhân Đỗ Long: Từ thầy giáo thành ông chủ Bitas
Bước lùi chủ động của ông chủ Alphanam

Amigo Technologies kỷ niệm 10 năm của chặng đường khởi nghiệp thành công bằng bộ nhận diện thương hiệu và logo mới vào những ngày cuối của năm Giáp Ngọ. Với những ý nghĩa mới, logo mới mang dáng dấp của 4 nhà sáng lập, đồng thời là 4 người bạn thân. Trong đó, anh Lê Đức Minh, Chủ tịch HĐQT được cho là rất sáng suốt trong việc xây đường đi nước bước vĩ mô; anh Trần Quang Đức, Phó chủ tịch HĐQT chuyên lo về quan hệ cá nhân trong xã hội; anh Nguyễn Hoài Anh, thành viên HĐQT rất tinh nhanh về tài chính; còn anh Nguyễn Trọng Hải Hoàng, Tổng giám đốc là người giỏi thực hiện các kế hoạch được đề ra.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Hải Hoàng, Tổng Giám đốc Amigo

1

Gặp người giỏi thực hiện các kế hoạch Hải Hoàng tại phòng làm việc để nghe anh chia sẻ những câu chuyện ở Amigo. Cách ăn vận đơn giản, quần jean, áo len mỏng, mái tóc vuốt gel cá tính của Hoàng theo đúng phong cách trẻ trung của những ông chủ làm trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin.

Hoàng cho biết, năm 2003, anh cùng 3 người bạn là Minh, Đức, Anh mở một công ty về thương mại, đến cuối năm 2004 mở một công ty về công nghệ và đầu năm 2005 hoạt động hoàn toàn trong lĩnh vực công nghệ. Hoàng là giám đốc kinh doanh và bạn anh làm giám đốc điều hành.

Lúc đó, thị trường tài chính Việt Nam đi lên, đặc biệt là ngành ngân hàng, chứng khoán. Nền kinh tế Việt Nam cũng có 3 lĩnh vực phát triển mạnh mẽ là tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông và dầu khí. Ba ngành này đóng góp rất nhiều cho GDP, nhưng nền tảng công nghệ trong các ngành đó còn thấp. Do đó, 4 người bạn trẻ vốn thích làm cái gì liên quan đến mảng thanh toán, tài chính quyết định đi vào khai thác lĩnh vực công nghệ thông tin. Chỉ 2 năm sau, tổng doanh thu của Công ty đã cán mốc 100 tỷ đồng.

Về việc thay đổi hệ thống nhận diện mới, Hoàng giải thích, dựa vào nền tảng công nghệ thông tin sẵn có, Amigo muốn chuyển từ việc chỉ cung cấp giải pháp cho khách hàng theo hình thức B2B (Business - To - Business), sang cung cấp dịch vụ B2C là các giải pháp tài chính cá nhân, người tiêu dùng cuối cùng (End-user). Còn chuyện thương hiệu đã tồn tại 10 năm và cần hình ảnh mới chỉ chiếm 20% trong quyết định thay đổi này.

Có 3 yếu tố cần để thành công trong nền kinh tế mở hiện nay là quy mô, sức bật và tốc độ, nhưng Amigo không thích đóng khung ở một trong 3 yếu tố đó. Là công ty trong lĩnh vực công nghệ, Amigo chỉ coi trọng yếu tố sáng tạo và tính linh hoạt theo thời điểm. Hai yếu tố này thôi thúc Amigo thay đổi suy nghĩ lối mòn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

“Khách hàng trong nền kinh tế mở có nhiều yêu cầu thoạt đầu nghe có vẻ viển vông, không đâu vào đâu, chỉ nhằm giải quyết bài toán cho họ. Đôi khi mình thấy nếu chạy theo yêu cầu đó thì có thể sẽ mất đi sự sáng tạo, nhưng nó đã thôi thúc sự sáng tạo cho những dịch vụ gia tăng của Amigo”, Hoàng cho biết.

2

Amigo, sau 10 năm khởi nghiệp, từ chỗ vốn góp chỉ 500 triệu đồng đã lên gần 50 tỷ đồng và sở hữu lượng khách hàng khoảng 50 tổ chức tài chính, ngân hàng, có doanh thu trung bình khoảng 200 tỷ đồng/năm cho mảng tích hợp hệ thống. Riêng Công ty Vinatti (thanh toán điện tử, thành viên của Amigo), vừa cán mốc 20 triệu giao dịch, với doanh số trên 25.000 tỷ đồng vào tháng 11/2014 chỉ sau 2 năm thành lập.

Nhưng Amigo không phải là người dẫn đầu thị trường. Hoàng ước tính, mỗi năm, các tổ chức tín dụng đầu tư khá nhiều về công nghệ thông tin. Chỉ riêng mỗi ngân hàng TMCP nhà nước hàng năm đã đầu tư từ 10 đến 15 triệu USD. Hiện có 4 tên tuổi đáng gờm đang cùng Amigo khai thác thị trường tiềm năng này là FPT, CMC, HIPT, HPT. Tuy nhiên, mối đe dọa mà Amigo đáng cảnh giác hơn lại là những công ty mới nổi.

“Với những tên tuổi cũ, mình đã biết chiến lược kinh doanh và mục tiêu của họ là gì. Nhưng các công ty mới có sự linh hoạt, tập trung hơn và đi tắt đón đầu xu hướng công nghệ hiện đại. Họ luôn có tốc độ đầu tư liều lĩnh hơn, được ăn cả ngã về không”, Hoàng trăn trở.

Trong cuộc cạnh tranh với cả tay chơi mới và cũ, không có công thức nào để Amigo trăm trận trăm thắng. Thậm chí, Amigo đã thử phát triển 10 mảng, nhưng chỉ có 5 mảng sống sót. Amigo đã chiến đấu bằng những yếu tố chỉ riêng mình mới có.

Đến đại bản doanh của Amigo bất cứ thời gian nào trong ngày, khách hàng có thể nhìn thấy những người trẻ đang cặm cụi làm việc, nhưng không kém phần sôi nổi và thân thiết. Hình ảnh trên là cách Amigo cố gắng cho khách hàng thấy những yếu tố đó đã và đang ngấm vào mỗi nhân viên. Nhưng ít người biết rằng, một sợi chỉ vô hình xuyên suốt tạo nên những nắm tay thật chặt để Amigo phát triển lại bắt nguồn từ tên công ty - tình bằng hữu. Bốn người bạn sáng lập công ty mà đến giờ vẫn còn “nguyên băng”, dù đã có lần bị rối tưởng đứt giữa chừng, theo cách nói hài hước của Hoàng.

Gây dựng công ty từ vạch xuất phát chưa bao giờ là việc dễ dàng. Đó là lý do vì sao Business Insider thống kê, cứ 10 công ty khởi nghiệp được thành lập dựa trên mối quan hệ bạn bè, thì sau 10 năm, chỉ còn 3 công ty sống sót. Đặc biệt, tỷ lệ những người tham gia sáng lập từ ngày đầu tồn tại đến cuối còn tệ hơn, khoảng 30% thất bại. Đó là chưa kể, nếu sáng lập viên và nhà đầu tư học cùng nhau thì số công ty thành công còn giảm thêm 20% và chỉ trên dưới 10% công ty tồn tại.

Vậy tại sao Amigo lại tồn tại được đến thời điểm này? Thứ nhất, tách bạch công việc và bạn bè, không kiêng nể nhau, có vấn đề gì thì nói ngay. Thứ hai, minh bạch tài chính, tin tưởng nhau. “Bạn bè khó áp dụng những điều trên. Có những lúc cũng tưởng thôi không làm việc với nhau nữa, nhưng sau đó vẫn vui vẻ, nắm tay nhau được”, Hoàng kể.

Theo Hoàng, trong lòng mỗi thành viên đều chứa đựng những kỷ niệm đẹp. Chẳng hạn, lúc đầu thành lập, Công ty có 6 người, thì 4 người làm giám đốc. Văn phòng bé, mọi người đi làm bằng xe máy, nhưng muốn kiếm hợp đồng thì thuê xe Mercedes ra sân bay đón đối tác. Rồi kế hoạch kinh doanh thì khủng khiếp vì ai cũng nghĩ kiếm tiền dễ, nếu công ty làm tốt thì chỉ cần trong vòng 1-2 năm là đạt doanh thu 10-20 triệu USD.

Còn những kỷ niệm buồn thì Hoàng không muốn nhắc đến, không phải vì xấu hổ, mà đó là những gì hiển nhiên phải xảy ra trên con đường “nhào nặn” nên một Amigo của hiện tại. Amigo đã tự tin biết cách tìm hiểu khách hàng, con người, hiểu nhân viên, nhưng việc hiểu được thị trường vẫn là ẩn số. Vậy nên, đã có lúc Hoàng và các thành viên HĐQT đầu tư thị trường bất động sản, chứng khoán vì nhìn thấy cơ hội, nhưng lại mất sạch.

3

Giờ thì Hải Hoàng đã 37 tuổi, đủ trải nghiệm và tinh ranh, song không thích bị đặt những câu hỏi mà anh phải gồng mình lên để nghĩ. Nhưng anh lại có lối nói chuyện cẩn trọng, giữ mình và một tư duy logic có liên quan tới ngành học ngoại ngữ và ước mơ làm một nhà ngoại giao từ thủa ngồi ghế nhà trường. Hoàng bảo, ngoại ngữ chỉ là một công cụ, còn để làm một phương tiện hành nghề thì rất hạn chế. Cho nên, anh học MBA Đại học Webster (Thái Lan) rồi quyết định kinh doanh các giải pháp liên quan đến công nghệ.

Có thể nói, các công ty làm công nghệ thường có 2 “trường phái”: một là người xuất thân từ công nghệ, sau đó làm quản lý và kinh doanh; hai là làm kinh doanh và tình cờ có mối nhân duyên với công nghệ. Hoàng thuộc trường phái thứ hai. Nhưng dù theo trường phái nào thì đều phải tìm tòi học hỏi: công nghệ thì tìm tòi, học hỏi về quản lý, kinh doanh và ngược lại. Và giờ ngoại ngữ vẫn là công cụ để anh có được những thông tin thị trường tốt, sau khi đã sở hữu phương tiện tốt.

Chat với doanh nhân Nguyễn Trọng Hải Hoàng:

Bản lĩnh của một doanh nhân nhất thiết phải có độ từng trải?

Không, vì tài đâu có đợi tuổi. Nhiều gương lập nghiệp ở quy mô thế giới thành công khi rất trẻ, họ đâu cần có sự trải nghiệm, kinh nghiệm. Nhưng điều không cần bàn cãi là tỷ lệ thành công sẽ cao hơn khi ai đó có tài và có kinh nghiệm.

Trong những tấm gương khởi nghiệp, anh muốn giống ai nhiều nhất?

Tôi thích tìm hiểu doanh nhân thành công trong mảng công nghệ, nhưng không thần tượng ai, nên không có hình mẫu muốn hướng đến giống họ. Tôi muốn hướng đến điểm chung ở họ là sự kiên định với nghiệp kinh doanh sau khi trải qua thương trường khốc liệt. Đặc biệt, họ suy nghĩ không có giới hạn, thách thức tất cả những gì gọi là quy luật trên thị trường để thay đổi cái đó.

Khó nhất trong việc điều hành của anh là gì?

Là để mọi người cùng nhau đến đích, vì ai cũng muốn đi theo cách của mình. Tôi cần đưa ra những lời khuyên để mọi người tin rằng, đường đi đó không phải nhanh nhất, nhưng hợp lý nhất. Nếu đi theo đường hợp lý rồi mà các cá nhân vẫn băn khoăn, thì đó là khó khăn với tôi. 

Giữa Hoàng của công việc và Hoàng đời thường có gì khác nhau?

Tôi chỉ có một phiên bản duy nhất và thấy thoải mái khi lúc nào cũng giống nhau. Tôi không thích đến công ty phải thế này, về nhà lại thế khác.

Mỗi ngày khi tỉnh giấc, anh nghĩ điều gì đầu tiên?

Làm sao để có những ý tưởng kinh doanh mới và làm sao để thực hiện ý tưởng đang sẵn có và triển khai nó thật tốt.

Tin liên quan
Tin khác