Tổng giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park Bùi Thế Long (người ngồi bên phải) ký thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư thứ cấp - Công ty TNHH Lotes Việt Nam, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thái Bình |
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp Xuân Nhâm Dần, ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Green i-Park nhấn mạnh, sẽ xây dựng Green iP-1 trở thành khu công nghiệp xanh - hiện đại, thu hút đầu tư đa ngành…
Ông có thể cho biết, cơ sở nào để Công ty cổ phần Green i-Park được lựa chọn là nhà đầu tư “xông đất” - đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tại Khu kinh tế (KKT) Thái Bình?
Công ty cổ phần Green i-Park (GiP) đã đồng hành với tỉnh Thái Bình từ giai đoạn đầu lập Quy hoạch chung KKT Thái Bình (năm 2018). Với kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng KCN, Công ty GiP đã đóng góp những ý tưởng quy hoạch KKT Thái Bình với tầm vóc lớn, trong đó, quy mô đất KCN lên tới hơn 8.000 ha.
Những năm trước, Thái Bình được nhìn nhận là “vùng trũng” trong công tác thu hút đầu tư, dù nhiều tiềm năng, nhưng chưa có điều kiện khai mở. GiP nhận thấy, để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của KKT Thái Bình, cần phải có tinh thần không quản ngại khó khăn, bắt tay ngay vào những việc khó trong giai đoạn hình thành. Công ty đã tích cực đề xuất tỉnh Thái Bình cho phép được tài trợ quy hoạch phân khu 1 KCN trong KKT Thái Bình với quy mô gần 1.000 ha tại huyện Thái Thụy.
Qua gần một năm phát triển, KCN Green iP-1 đã thu hút được 4 dự án đầu tư thứ cấp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 440 triệu USD. 4 dự án này đóng góp gần 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào
Thái Bình từ trước đến nay và đưa tỉnh đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI trong năm 2021. Đây là những tín hiệu khởi sắc cho một năm mới thu hút đầu tư vào KKT Thái Bình hiệu quả.
Thấy rõ quyết tâm và cách thức triển khai bài bản của GiP cũng như vị trí của phân khu 1 KCN hội tụ đầy đủ các lợi thế về vị trí địa lý, như kết nối với các thành phố lớn, sân bay quốc tế, cảng nước sâu Hải Phòng, tiếp giáp tuyến đường ven biển và tuyến cao tốc ven biển, Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, tỉnh lộ 456, tỉnh Thái Bình đã lựa chọn và giao Công ty GiP “xông đất” làm chủ đầu tư KCN trong KKT Thái Bình. Đó chính là KCN Green iP-1, phân khu Bắc với diện tích 588,84 ha.
Sau gần 1 năm thực hiện Quyết định 180/QĐ-TTg ngày 8/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu Bắc, hạng mục: KCN, Công ty GiP đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Qua 10 tháng triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Green iP-1, phân khu Bắc, đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát môi trường đầu tư tại KCN.
Đến nay, KCN Green iP-1 đã thu hút thành công Dự án Lotes (Đài Loan) chuyên sản xuất RAM, cáp nối máy tính với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD; Dự án Greenworks (Mỹ) chuyên sản xuất máy nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án của Tập đoàn Nam Tài (Singapore) với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD và gần đây nhất là Dự án Ohsung (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.
Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), tính đến đầu năm 2022, Công ty đã hoàn thành GPMB trên 500 ha. Hiện công tác GPMB vẫn tiếp tục được đẩy nhanh để hoàn thiện.
Bên cạnh đó, công tác thi công hạ tầng KCN cũng đạt kết quả tốt: hoàn thành san lấp trên 500.000 m3; thi công một loạt tuyến đường nội khu; khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải... Những ngày giáp Tết, Dự án nhộn nhịp như một đại công trường. Công ty GiP cùng các nhà thầu quyết tâm cao hoàn thành công trình chất lượng, sớm hoàn thành xây dựng mô hình KCN kiểu mẫu của tỉnh.
Thưa ông, trong quá trình triển khai Dự án KCN Green iP-1, Công ty GiP gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Khi bắt tay triển khai Dự án KCN Green iP-1, Công ty đã tập trung triển khai nhanh công tác GPMB và đầu tư (đồng bộ xây dựng hạ tầng để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng, đồng thời chuẩn bị sẵn mặt bằng để đón các nhà đầu tư mới.
Trên thực tế, công tác GPMB bao giờ và ở đâu cũng là khó khăn lớn nhất của các dự án. Bởi vậy, có thể nói, những kết quả đạt được nói trên là rất cơ bản và ấn tượng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức.
Lãnh đạo huyện Thái Thụy đã tập trung cao độ, triển khai bài bản từ việc vận động người dân có đất trong khu vực giải tỏa, đến việc tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách của tỉnh về GPMB, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cùng các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức họp nghe báo cáo tiến độ và kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ những vấn đề vướng mắc; đồng thời có những quyết sách sáng tạo để giải quyết các tồn tại, khắc phục những khó khăn do chính sách GPMB chưa phù hợp với thực tiễn. Đây là sự thể hiện quyết tâm cao nhất của lãnh đạo tỉnh gửi đến các nhà đầu tư: Thái Bình đang tích cực đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn nhất.
Nhân dịp năm mới - Xuân Nhâm Dần, ông có chia sẻ gì về mục tiêu chiến lược của Green iP-1 để góp phần cùng tỉnh Thái Bình thu hút đầu tư nhanh và hiệu quả, phát triển thành công KKT Thái Bình đáp ứng sự quan tâm của Chính phủ, sự mong mỏi của tỉnh cùng các tầng lớp nhân dân ở địa phương?
Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng. Điều đó chứng tỏ, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ vẫn là sự lựa chọn ưu tiên khi triển khai các dự án đầu tư.
Thái Bình đã rút được bài học kinh nghiệm từ các địa phương đi trước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đơn cử như việc KKT Thái Bình quy hoạch diện tích đất công nghiệp lớn, với 8.020 ha. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để thu hút đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Trong thời gian qua, tiếp tục có nhiều tập đoàn lớn đến thăm và khảo sát đầu tư tại KCN Green iP-1. Các nhà đầu tư đều đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại KKT Thái Bình. Chúng tôi đã và đang xây dựng KCN hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn, tạo sự lan tỏa, đưa Thái Bình trở thành địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, rút kinh nghiệm từ thực tiễn vận hành các KCN trên cả nước, KCN Green iP-1 đã quy hoạch khoảng 90 ha quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân của các nhà đầu tư thứ cấp, đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ, giải trí cho lực lượng lao động trong KCN.
Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, Khu công nghiệp Green iP-1 (Khu kinh tế Thái Bình) vẫn nhộn nhịp như một đại công trường |
Cụ thể, hình ảnh của Green iP-1 sau năm 2022 và đến năm 2025 sẽ được phác họa như thế nào, thưa ông?
Đúng với tên gọi, KCN Green iP-1 sẽ được xây dựng để trở thành KCN xanh - hiện đại, một khu tổng hợp đa ngành, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, công nghệ xanh - sạch như sản xuất điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, ô tô, ô tô điện, cơ khí chính xác và công nghiệp phụ trợ…
Chúng tôi đã và đang tích cực hoàn thiện hạ tầng KCN và tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tin tưởng rằng, với tiềm năng, lợi thế của KKT Thái Bình; sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; sự đồng thuận của người dân, KKT Thái Bình sẽ thu hút được các tập đoàn lớn vào đầu tư và KCN Green iP-1 sẽ được lấp đầy trong thời gian sớm nhất.