Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ năm 2022, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chuẩn để đối phó với lạm phát vốn tăng lên mức chưa từng có trong nhiều thập kỷ ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến này đang trở nên phức tạp do vụ phá sản gần đây của Silicon Valley Bank (SVB) sau khi gặp rủi ro do lãi suất quá cao, làm xáo trộn hệ thống ngân hàng ở hai bờ Đại Tây Dương.
Trả lời phỏng vấn báo giới trước thềm hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng thế giới (WB), dự kiến diễn ra vào tuần tới, bà Kristalina Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục chống lạm phát trong một môi trường khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Các ngân hàng vẫn phải ưu tiên chống lạm phát, sau đó mới hỗ trợ ổn định tài chính thông qua các công cụ khác nhau. Bà nhấn mạnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong bài phát biểu trước các đại sứ và quan chức tại Washington (Mỹ) ngày 6/4, bà Georgieva cho rằng nếu không được kiểm soát, tổn thất lâu dài do sự đứt gãy thương mại có thể lên tới 7% GDP toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo nếu hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại dự kiến sẽ kéo mức tăng trưởng toàn cầu xuống dưới 3% trong năm nay.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, lạm phát vẫn giữ ở mức cao, kinh tế thế giới khó có thể hồi phục mạnh mẽ. Điều này sẽ tác động xấu đến triển vọng kinh tế của mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tăng trưởng GDP toàn cầu giảm gần 50% năm 2022 xuống 3,4% do tác động của xung đột tại Ukraine, làm gián đoạn sự phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Các thị trường mới nổi ở châu Á dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng đáng kể, với Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 50% tổng mức tăng trưởng năm nay, trong khi có tới 90% các nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng chậm lại.
Chính vì vậy, theo bà Georgieva, trước mắt và trong trung hạn, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn yếu. GDP toàn cầu có thể chỉ xấp xỉ 3% trong 5 năm tới, mức dự báo trung hạn thấp nhất kể từ những năm 1990. Các nước thu nhập thấp có thể sẽ chịu cú sốc kép từ chi phí đi vay cao và sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của họ, điều này có thể làm gia tăng tình trạng nghèo đói.