Lần đầu đặt chân đến Việt Nam - đất nước mà trong tâm trí của riêng tôi chỉ có hình ảnh của cuộc chiến tranh trong quá khứ, tôi đã vô cùng ngạc nhiên và bị thu hút bởi những nét duyên dáng của di sản kiến trúc mang phong cách Pháp tại Hà Nội và TP.HCM; dải bờ biển nguyên sơ, quyến rũ từ Bắc tới Nam; những con người thân thiện, hồn hậu; ẩm thực phong phú, cùng những nét văn hóa địa phương tinh tế.
Peter Ryder, Tổng giám đốc Indochina Land |
Trong suốt thời gian từ năm 1992 tới 1995, trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chính thức được thành lập, tôi thường xuyên làm việc với Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và Phó chủ nhiệm Ủy ban khi đó là TS. Nguyễn Mại. TS. Mại và các cộng sự của ông đã tận tình hỗ trợ tôi xin giấy phép đầu tư đầu tiên ở Việt Nam - Giấy phép số 999 cấp vào tháng 10/1994 cho Công ty TNHH Đoàn kết Quốc tế. Đây chính là công ty phát triển tòa nhà 63 - Lý Thái Tổ, một tòa nhà thương mại danh tiếng bậc nhất tại Hà Nội, tọa lạc gần Nhà hát Lớn.
Trong những năm qua, MPI luôn giữ vai trò tiên phong trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Một trong những minh chứng rõ ràng là việc xây dựng và thực hiện Luật Đầu tư năm 2005 và mới đây nhất là Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014, tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn thông qua môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, từ năm 2005, MPI đã đảm nhận vai trò giám sát việc xây dựng hệ thống cấp phép phi tập trung, nhằm cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cộng đồng các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài ghi nhận những cải cách do MPI tạo ra trong những năm gần đây. Nếu nhìn vào sự tăng trưởng về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy rõ vai trò quan trọng của MPI trong việc tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn FDI được hiện thực hóa. Khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn FDI đã thực hiện được thu hẹp đáng kể trong vài năm qua là bằng chứng cho thấy hiệu quả trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài từ MPI.
Song theo tôi, dù đã có nhiều nỗ lực cải cách trong hơn một thập kỷ qua, nhưng quy trình đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Không ít dự án FDI bị đình trệ bởi các thủ tục hành chính ở cấp địa phương và Trung ương. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà, còn mang tính hình thức, thời gian thực hiện kéo dài. Vì vậy, để Việt Nam giữ vững lợi thế cạnh tranh của mình, MPI hãy luôn là cơ quan tiên phong trong việc chấn chỉnh, cải cách các quy trình thủ tục hành chính và cấp phép hiện tại.
Trong quá trình sống và làm việc tại Việt Nam, tôi cũng chứng kiến mối quan hệ tốt đẹp cùng tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Nếu thiếu đi sự cam kết và tin tưởng lẫn nhau giữa 2 quốc gia, Indochina Capital sẽ không thể đạt được những thành công của hôm nay. Nhìn lại 20 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tôi nhận thấy chúng ta đã ngày một xích lại gần nhau và sẽ còn nhiều cơ hội hợp tác phát triển hơn nữa khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Tôi tin tưởng với niềm lạc quan rằng, Việt Nam và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ để tạo ra những thay đổi tích cực cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.