Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, trọng tâm khai thác của May 10 trong thời gian tới là nhắm vào Canada, một trong những thị trường CPTPP đầy tiềm năng. (Ảnh: Vnepress). |
Ông Thân Đức Việt khẳng định, doanh nghiệp cần dụng ngay lợi thế ưu đãi thuế quan. Trong thời gian tới, trọng tâm tập trung của May 10 là ngắm vào Canada, thị trường vốn chưa được doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành khai thác trong những năm qua.
“Ngay trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ trực tiếp gặp gỡ các khách hàng của Canada để xúc tiến thương mại. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thành công, May 10 đã phải chuẩn bị rất kỹ tài liệu, và chào những mặt hàng, sản phẩm thích hợp với khách hàng. Tôi sẽ đưa luôn 1 bộ sưu tập vải cho sản phẩm đó", ông Việt thông tin.
Lý giải cho việc tập trung mạnh vào Canada, trước đó ông Việt cho rằng, hiện nay, nhiều khách hàng của May 10 có chuỗi cửa hàng tại Mỹ và cả Canada luôn, đây cũng là một trong những cơ hội lớn để May 10 mở rộng thị trường mới này. Ngoài ra, thị trường truyền thống Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh nhờ CPTPP.
Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may trên 13,5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Canada là thị trường vốn được ngành dệt may khai thác chưa nhiều, cơ hội để tăng xuất khẩu còn rất lớn, một khi các dòng thuế theo CPTPP hạ dần và về 0%.
Trước câu hỏi về ngành dệt may Việt Nam gần như chỉ tham gia vào khâu cắt may sản phẩm, được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, Tổng giám đốc May 10 trả lời bằng tỷ trọng doanh thu từ các hình thức làm hàng xuất khẩu. Cụ thể, hiện tại, gia công của May 10 chiếm 30% doanh thu; sản phẩm tự thiết kê tự chào bán đạt doanh thu 20%, năng lực sản xuất chiếm 5%. May 10 hiện có khoảng 12.000 cán bộ công nhân viên ở 12 tỉnh thành phố, tiền lương chi là 800 tỷ một năm.
Ông Việt nêu quan điểm, bất kể một mô hình sản xuất nào cũng có chu kỳ và sự phát triển. May 10 là doanh nghiệp đầu tiên làm gia công xuất khẩu cho châu Âu. Là đơn vị số ít làm hình thức FOB từ 1999.
Trải qua 20 năm, tỷ trọng FOB chiếm 65%. Từ năm 1992, sau khi làm gia công, May 10 kế thừa thời trang và công nghệ để có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa với chất lượng quốc tế.
May 10 tập trung 3 nguồn nhân lực chính: nhà thiết kế, đội ngũ kỹ thuật công nghệ, đội ngũ cán bộ thị trường. Trong yếu tố làm FOB hiện nay, ngoài cạnh tranh, yếu tốt khó khăn nhất là nguồn nguyên liệu và xuất xứ của nguồn nguyên liệu.
Theo ông Việt, từ sợi tới vải, nhuộm hoàn tất tới may là cả một quy trình, muốn hưởng lợi từ CPTPP, có thể đốt cháy giai đoạn.
Hiện nay, trong ngắn hạn, CPTPP có 2 nguồn nguyên liệu ngắn hạn là nguồn cung thiếu hụt (nhập khẩu từ các nước ngoài CPTPP) và nguồn cung vải trong nội khối (Nhật Bản, Mexico).
Ngoài ra, đại diện May 10 cũng cho rằng, các doanh nghiệp phải tự nghiên cứu, tìm hiểu... không nên chờ sự hỗ trợ của Chính phủ.
CPTPP có hiệu lực sẽ giúp xóa bỏ 100% thuế đối với hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Canada vào năm thứ 4. Theo đó, từ mức thuế trung bình trên 10% về 0%, xuất khẩu dệt may nước ta được kỳ vọng nhanh chóng vượt qua Bangladesh hay Campuchia...
Đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các Công ty đều phân phối thị trường Mỹ và các nước khác.
Cụ thể, thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (khoảng 50% mặt hàng xuất khẩu) hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tăc xuất xứ từ sợi trở đi. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.