Sóng vẫn lặng
Theo kế hoạch mua vào cổ phiếu TRA của ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, thời gian mua vào kéo dài tới ngày 10/1/2019. Theo đó, nếu việc mua vào được thực hiện theo đúng kế hoạch, thì tỷ lệ cổ phiếu TRA mà ông Mã nắm giữ sẽ tăng từ 1,86% lên 3,07%.
Dù có sự góp sức của nhà máy dược mới, nhưng doanh thu và lợi nhuận thời gian qua của Traphaco sụt giảm so với năm ngoái |
Thông lệ thị trường cho thấy, khi những nhân vật có vai trò quan trọng mua cổ phiếu, sẽ kích thích lượng cầu khiến giá cổ phiếu đó có xu hướng tăng. Tuy nhiên, thông lệ này không diễn ra với cổ phiếu TRA trong đợt mua vào này của Tổng giám đốc Traphaco.
Cổ phiếu TRA trong suốt thời gian từ đầu tháng 12 tới nay vẫn chỉ rùng rình đi ngang, bám quanh mốc 71.000 - 72.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cổ phiếu này trong giai đoạn gần đây cũng chỉ duy trì mức khá thấp. Nếu nhìn về mốc thời gian xa hơn, cổ phiếu TRA thậm chí còn đang trong xu hướng đi xuống về mặt trung hạn. Cụ thể, hồi đầu tháng 10/2018, TRA đã từng đạt thị giá trên 90.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đuối dần trong suốt hơn 2 tháng qua.
Diễn biến đối với cổ phiếu TRA như trên cho thấy, “sức bật” của đại gia ngành dược này trong bối cảnh hiện nay khá yếu. Bởi lẽ, ngoài thông tin hỗ trợ từ việc đang trong giai đoạn Tổng giám đốc mua vào cổ phiếu, thì TRA còn đang được hỗ trợ bởi thông tin chia cổ tức. Tỷ lệ chia cổ tức lần này sẽ là 20%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ được chia 2.000 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 7/1/2019 và thời gian chi trả dự kiến diễn ra vào ngày 30/1/2019. Với kế hoạch chi trả cổ tức lần này, tổng số tiền cổ tức mà các cổ đông Traphaco nhận được sẽ lên tới 82,9 tỷ đồng.
Nhà máy dược chưa đủ “gánh” kinh doanh
Năm 2018 là năm Traphaco đặt ra nhiều kỳ vọng, nhưng đến nay có vẻ nhiều kỳ vọng chưa thành hiện thực. Trong đó, một trong những niềm hy vọng lớn nhất là việc nhà máy dược chính thức “tham chiến” từ cuối năm 2017.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 46.288 m2, đặt tại Khu công nghiệp Văn Lâm - Hưng Yên, với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất. Nhà máy có công suất 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm mỗi năm, giảm 50% số người tham gia vận hành sản xuất so với quy trình cũ, nhưng năng suất tăng gấp 3 lần. Nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP- WHO).
Theo Traphaco, nhà máy dược hiện đại đi vào hoạt động là bước quan trọng hiện thực hóa chiến lược phát triển của Traphaco, thể hiện quyết tâm bứt phá và khẳng định vị thế của Traphaco không chỉ trong lĩnh vực đông dược mà còn cả trong lĩnh vực tân dược.
Quá trình xây dựng Dự án có một số sai lệch so với dự toán ban đầu, số chi thực tế là 483 tỷ đồng, cao hơn khoảng 6 tỷ đồng so với kế hoạch. Theo giải thích của bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, đây là Dự án quan trọng đòi hỏi trình độ khoa học và kỹ thuật cao. Đây cũng là lần đầu tiên Công ty thực hiện một dự án quy mô lớn như trên, nên việc chênh lệch hơn 6 tỷ đồng, tức chỉ tương đương khoảng 1,3% cũng là mức phù hợp.
Trong các khoản chi cụ thể của Dự án, khoản dẫn đến chi vượt trội lớn nhất là chi phí thiết bị. Theo đó, kế hoạch chi là 244 tỷ đồng, như chi thực tế lên tới 283 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí đền bù cũng có vượt dự toán chút ít.
Khi có sự góp sức của đại nhà máy tân dược, Traphaco đã tỏ ra khá tự tin đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2018, với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 300 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Tuy nhiên, thực tế không thực sự xuôi chiều mát mái như kỳ vọng.
Dù có thêm sự góp sức của nhà máy dược được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam, nhưng doanh thu và lợi nhuận của Traphaco không những không tăng trưởng, mà còn sụt giảm so với năm ngoái. Tổng doanh thu 9 tháng của Traphaco đạt 1.274 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 103,6 tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2017.