Mặc dù vậy, TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN khẳng định vẫn bảo đảm chất lượng các cuộc kiểm toán.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước. |
Buộc phải tạm dừng kế hoạch, nên hoạt động kiểm toán năm nay chắc gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
Do Covid-19, ngày 19/3/2020, tôi đã ký công điện yêu cầu dừng triển khai các cuộc kiểm toán có trong kế hoạch, nhưng chưa triển khai. Đối với các cuộc kiểm toán đã triển khai, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán phải tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế, cơ quan y tế địa phương và đơn vị được kiểm toán về phòng, chống dịch. Trường hợp cần thiết cũng xem xét, quyết định dừng lại cho phù hợp với điều kiện cụ thể trong phòng, chống Covid-19.
Sau thời gian tạm dừng, bắt đầu tư ngày 4/5/2020 mới tiếp tục triển khai kiểm toán trở lại, nhưng với tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì thế, chúng tôi đã quyết định không thực hiện đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Trường hợp đặc biệt, nếu kiểm toán tại cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm, gian lận thuế nghiêm trọng thì mới thực hiện đối chiếu thuế.
Khối lượng đầu mối phải kiểm toán năm nay rất lớn, trong khi phải tạm dừng gần như mọi hoạt động kiểm toán trong một thời gian, nên hoạt động này chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng tôi khẳng định vẫn phải giữ chất lượng kiểm toán.
Phải tạm dừng hoạt động hơn một tháng, vậy làm sao có thể hoàn thành được kế hoạch?
Năm 2020, theo kế hoạch, chúng tôi tập trung kiểm toán 158 đầu mối, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn kiểm toán tại 16 bộ, ngành, 40 tỉnh, thành phố; 16 tổ chức tài chính, ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
Một khối lượng công việc rất lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi tập trung rà soát, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán để đảm bảo các cuộc kiểm toán kết thúc trước ngày 30/11/2020, nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và không để xảy ra tiêu cực.
Thưa ông, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian, liệu có bảo đảm được chất lượng kiểm toán?
Chất lượng kiểm toán vô cùng quan trọng. Đơn cử, trong công tác phòng chống tham nhũng, qua kiểm toán năm 2019, chúng tôi đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 82 bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Năm nay buộc phải cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán do Covid-19, nên cũng có câu hỏi đặt ra về chất lượng kiểm toán. Như tôi đã nói, mặc dù rút ngắn thời gian, giảm quy mô, nhưng chất lượng kiểm toán vẫn được bảo đảm.
Bảo đảm chất lượng bằng cách nào, thưa ông?
Trên thực tế, số cuộc kiểm toán năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2019, tức là thay vì kiểm toán trên diện rộng, KTNN tập trung vào các đầu mối trọng yếu dựa trên đánh giá rủi ro; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian kiểm toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đơn cử như lĩnh vực ngân sách nhà nước. Năm nay, chúng tôi lựa chọn các bộ, ngành và đơn vị có quy mô ngân sách lớn để tập trung kiểm toán công tác quản lý, điều hành ngân sách; chọn mẫu một số đơn vị, dự án trọng yếu hoặc rủi ro cao nhằm đánh giá công tác điều hành thu - chi sự nghiệp, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Còn tại địa phương, chúng tôi tập trung kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan tài chính tổng hợp để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, rút ngắn thời gian kiểm toán, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới công tác thường xuyên của đơn vị được kiểm toán.
Còn đối với doanh nghiệp nhà nước, KTNN lựa chọn đơn vị có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu; đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu… Vì vậy, số đầu mối kiểm toán giảm và giảm tối đa việc đối chiếu việc nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nhưng chất lượng kiểm toán chắc chắn không giảm.
Ông nghĩ sao khi Covid-19 chính là cơ hội để KTNN tiếp tục giảm mạnh số cuộc kiểm toán hàng năm?
Trong mấy năm qua, chúng tôi liên tục giảm số cuộc kiểm toán hàng năm, như năm 2018 thực hiện hơn 200 cuộc, năm 2019 còn khoảng 190 cuộc và năm 2020 dự kiến thực hiện 158 cuộc.
Kết quả kiểm toán năm 2018 đã được KTNN gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 cho thấy, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước còn xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, KTNN đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách thêm 8.151 tỷ đồng. Chúng tôi cũng phát hiện một số bộ, ngành chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài; chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định; hiệu quả sử dụng tài sản nhà, đất chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương có số xe ô tô vượt định mức, vượt tiêu chuẩn...
Như vậy, nếu thu hẹp quá mức số cuộc kiểm toán sẽ khó lòng phát hiện ra vi phạm. Vấn đề là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức kiểm toán; đổi mới phương pháp lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là phát triển phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi cuộc kiểm toán phù hợp, giảm thời gian và nhân lực kiểm toán tại đơn vị.