Năm 2019 là năm đầu tiên quy mô xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, xuất siêu 10 tỷ USD. |
Sáng 2712/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt từ sớm để dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương.
Năm 2019 là năm ghi dấu nhiều hoạt động nổi bật của ngành công thương, lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%).
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%; Thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, cắt giảm điều kiện kinh doanh
2019 cũng là năm có hiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm (Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn).
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 thay vì tháng 9 năm 2019 như kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn từ năm 2017 - 2018 (như Thaco Bus, Thaco - Mazda, Hyundai Thành Công) đã có sản phẩm trong năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương, Chủ tịch VCCI, Vũ Tiến Lộc cho biết, năm qua, Bộ Công Thương là một trong những ngành có nhiều chuyển biến về cắt giảm điều kiện kinh doanh.
"Với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn tương đối lớn. Thời điểm trước năm 2016, toàn ngành vẫn còn tồn tại khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh", ông Lộc nói.
Đến nay, tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương sẽ tương ứng hơn 72% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và tương ứng với khoảng 14% số điều kiện kinh doanh của cả nước cần cắt giảm.
Dù vậy, ông Lộc nêu quan điểm, cần nhìn thực chất vào điều kiện kinh doanh được cắt giảm là bao nhiêu chứ không chỉ nhìn vào con số.
Một số chỉ tiêu ngành Công Thương năm 2020:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 9 - 10% so với năm 2019.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019.
Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,8 - 12%.
Bảo đảm nhu cầu điện năm 2020 dự kiến tăng khoảng 9,1% so với năm 2019, điện sản xuất và mua năm 2020 khoảng 265,4 tỷ kWh.
Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C tăng 25%.
Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt 50%.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 70%.