TIN LIÊN QUAN | |
Lúng túng xử lý chuyện phòng the "nhảy" vào OTT | |
Tiếp thị kiểu “khủng bố” | |
Bộ mặt thật của tin nhắn khiêu dâm, lừa đảo |
Theo Báo cáo An ninh mạng mới nhất của Bkav, năm 2014, có tới 90% người dùng điện thoại di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Đặc biệt, trong những tháng cận kề Tết Nguyên đán Ất Mùi, trung bình mỗi ngày có gần 14 triệu tin nhắn rác gửi đi, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.
Có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay với CP, vì tin nhắn rác càng nhiều, thì mức ăn chia giữa nhà mạng và CP càng lớn |
Tính toán sơ bộ của Bkav cho thấy, nếu cước phí trung bình một tin nhắn là 300 đồng thì các nhà mạng sẽ thu về khoảng 4,2 tỷ đồng/ngày, tức khoảng 126 tỷ đồng/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, tin nhắn rác hoành hành thời gian qua gây bức xúc không ít cho người dân, doanh nghiệp (DN) và tổ chức trong xã hội. Một trong những nguồn xuất phát tin nhắn rác là từ sim rác, thuê bao ảo. Dù các văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát thuê bao ảo, song các nhà mạng đã không chấp hành nghiêm chỉnh.
Một nguồn phát tán tin nhắn rác nữa hiện từ các DN dịch vụ nội dung (CP). Thời gian qua, một số DN phát huy rất tốt các dịch vụ quảng cáo theo đúng quy định, song ngược lại, có DN đã gửi các tin nhắn rác nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Thậm chí, có dấu hiệu kết nối của các nhà mạng cùng ăn chia lợi nhuận với các dịch vụ này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc chưa dẹp triệt để tin nhắn rác có nguyên nhân sâu xa là do các nhà mạng quản lý không chặt chẽ những CP mà họ đã cấp đầu số. Có cả dấu hiệu các nhà mạng bắt tay với CP, vì tin nhắn rác càng nhiều, thì mức ăn chia giữa nhà mạng và CP càng lớn.
Nếu nhà mạng nào bị phát hiện tiếp tay, bỏ qua việc kiểm soát tin nhắn rác, thì nhà mạng đó sẽ bị xem xét để xử phạt theo quy định. Nhà mạng cũng phải chủ động ngăn chặn tin nhắn rác trước khi cơ quan quản lý phát hiện ra.
Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chính sách mà theo đó, cơ quan quản lý nhà nước là nơi đứng ra cấp đầu số và cấp phép hoạt động cho các dịch vụ nội dung.
Theo ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ tập trung giải quyết triệt để vấn nạn tin nhắn rác trong năm 2015. Mới đây nhất, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng như một đòn đánh tổng lực vào vấn nạn tin nhắn rác.
Trước Chỉ thị số 82/ CT-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành một số văn bản, thông tư liên quan đến tin nhắn rác, song do được ban hành một cách riêng lẻ, rời rạc, nên chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề này. Chính vì thế, với Chỉ thị này, Bộ đã huy động tổng lực các đơn vị có liên quan, không chỉ nhà mạng và các CP, mà còn có cả các đơn vị của Bộ... để phối hợp, liên kết với nhau nhằm “trấn áp” toàn diện tin nhắn rác.
Chỉ thị này đã yêu cầu nhà mạng phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung; nhà mạng phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các CP đang hợp tác với mình. Nếu phát hiện CP nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật, thì nhà mạng phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng.
Trách nhiệm của nhà mạng còn thể hiện ở việc tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác, thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay, khi phát hiện thuê bao vi phạm...
Tú Ân