- TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, xét nghiệm phòng chống Covid-19
- Tạm dừng các chuyến bay từ Tp.HCM đến Huế và ngược lại từ 0h ngày 5/7/2021
- Chủ tịch UBND TP.HCM: Số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn tăng trong những ngày tới
- Tăng ca bệnh nặng, TP.HCM yêu cầu các bệnh viện theo dõi sát bệnh nhân Covid-19
Không cứng nhắc khi phong tỏa, giãn cách chống dịch
Nhận định về tình hình dịch tại TP.HCM theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện địa phương đang nỗ lực, khẩn trương và đã kịp thời đưa ra các biện pháp giãn cách phù hợp để có thể sớm kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, việc triển khai biện pháp phòng, chống dịch đang gặp một số khó khăn, đã có những lúng túng, bị động khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Hiện nay dịch đã lan rộng ra cộng đồng, các biện pháp phòng, chống dịch theo cách giãn cách, phong tỏa, thực hiện nghiêm ngặt 5K là quan trọng nhất. |
Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý, TP.HCM cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn sự chủ động của cấp quận, huyện và xã phường, phát huy vai trò của các tổ Covid-19 trong cộng đồng.
Bộ trưởng Y tế đánh giá cao TP.HCM đã lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm, nhưng cần lập các tổ điều phối xét nghiệm tại cấp quận, huyện để xét nghiệm nhanh hơn nữa, bởi quy mô dân số TP rất lớn.
Trước kiến nghị của một số địa phương hỗ trợ thêm máy xét nghiệm RT-PCR, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế sẽ nỗ lực cao nhất để cung cấp máy cho địa phương nhanh nhất có thể.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khuyến cáo tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, khi phát hiện ca nghi nhiễm thì xét nghiệm khẳng định bằng máy RT-PCR.
Việc sử dụng test kháng nguyên nhanh trong đợt dịch này rất hiệu quả vì với biến chủng mới, lượng virus có mật độ rất lớn trong mẫu của các ca nhiễm.
Để kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM, tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TP phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp, xác định rõ hơn vai trò từng cấp, từng ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong công tác chống dịch.
Làm tốt hơn nữa yêu cầu “4 tại chỗ”, tránh bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra. Chính phủ và các bộ ngành sẽ tháo gỡ, xử lý mọi khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để tiến hành cách ly, phong tỏa, giãn cách phù hợp; cách ly, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng; thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng cách ly các ca F0.
“Nếu cách ly, phong tỏa vội vàng trên diện rộng thì dễ cho người chống dịch nhưng làm khó cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Phong tỏa, giãn cách không phụ thuộc cứng nhắc vào địa giới hành chính”, Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước phải chia sẻ với người dân về sự khó chịu, bức xúc khi phong tỏa.
“Khi đã phong tỏa, cách ly thì phải nhanh chóng, thần tốc để khoanh vùng hẹp lại, nới lỏng các biện pháp giãn cách với các vùng còn lại để người dân có tâm lý thoải mái hơn, tích cực cộng tác với các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch”, Thủ tướng lưu ý.
Tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+vắc-xin” và ứng dụng công nghệ rộng rãi, vừa làm vừa hoàn thiện dần. Thí điểm việc tự xét nghiệm, cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình để các địa phương và người dân thực hiện, quan trọng nhất là phải chính xác, an toàn.
Thủ tướng yêu cầu, khi tiến hành các giải pháp nếu liên quan tới nhiều địa phương, TP.HCM và các tỉnh lân cận cần hết sức cân nhắc, chủ động trao đổi, phối hợp với nhau để bảo đảm lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh, người di chuyển qua lại phải bảo đảm an toàn, không làm lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, ai làm tốt dứt khoát phải khen thưởng, người nào làm chưa tốt phải phê bình, rút kinh nghiệm, người không làm được thì điều chuyển, thay thế.
Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, Thủ tướng yêu cầu căn cứ các quy định chung và trên cơ sở tình hình, điều kiện cụ thể tại địa phương để tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin được dự báo sẽ rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu cho tới tháng 9, Chính phủ và các bộ ngành đang rất tích cực để triển khai chiến lược vắc-xin đồng thời khuyến khích các địa phương chủ động tiếp cận, đưa vắc-xin về Việt Nam nhiều nhất, nhanh nhất có thể.
Tuy vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải là đầu mối kiểm soát chất lượng, kiểm tra, cấp phép, lưu trữ, bảo quản, đặc biệt phải tổ chức chặt chẽ, tập huấn kỹ càng, triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường xét nghiệm mẫu gộp
Đóng góp ý kiến nhằm nâng hiệu quả chống dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khi số ca mắc Covid-19 tăng lên TP.HCM cần phân tích các ca được xác định dương tính là đang ở trong khu cách ly hay trong khu phong tỏa để đánh giá hiệu quả của việc giãn cách, phong tỏa đã hiệu quả chưa.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+vắc-xin” và ứng dụng công nghệ rộng rãi trong phòng chống dịch Covid-19. |
“Để đánh giá số ca dương tính trên thực tế tại cộng đồng có giảm đi một cách thực sự hay không, để nhận định chính xác việc triển khai các biện pháp phòng bệnh có hiệu quả hay không, cần có phân tích dịch tễ thật kỹ càng. Trên cơ sở đó để TP quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp”, ông Phu cho hay.
Theo chuyên gia này, TP.HCM đang chỉ đạo công tác phòng, chống dịch một cách đúng hướng. Tuy vậy, cũng cần lưu ý tiến hành xét nghiệm với số lượng lớn người dân không chỉ để phát hiện các trường hợp F0 để khoanh vùng dập dịch, mà còn cung cấp các dữ liệu về nguy cơ để có biện pháp giãn cách, phong tỏa phù hợp.
“Qua đây chúng ta có thể lên được bản đồ nguy cơ đến từng địa bàn khu phố, thôn, phường, xã, quận huyện để áp dụng các biện pháp phù hợp. Chúng ta cũng không thể giãn cách toàn TP mãi được vì phải duy trì mục tiêu phát triển kinh tế và đến nay, nhiều khu vực đã bị phong tỏa thời gian quá dài”, ông Phu nói.
Về biện pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh, theo ông Phu chỉ nên áp dụng ở khu vực được đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao được dự đoán đang có nhiều ca dương tính. Các nơi còn lại cần tiến hành làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Việc xét nghiệm nhiều một lúc cần đề phòng lây nhiễm chéo giữa những người được xét nghiệm và lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu.
Đặc biệt, việc xét nghiệm và trả kết quả phải nhanh, nếu trả kết quả chậm, việc can thiệp các ổ dịch có ca F0 bị chậm và việc đánh giá nguy cơ cũng bị sai lệch. Do đó, phải ưu tiên việc xét nghiệm cho từng đối tượng, từng địa bàn.
Ông Phu nhấn mạnh, hiện nay dịch đã lan rộng ra cộng đồng, các biện pháp phòng, chống dịch theo cách giãn cách, phong tỏa, thực hiện nghiêm ngặt 5K là quan trọng nhất.
Đặc biệt, TP cần cấm hoặc hạn chế đám đông, cấm hoặc hạn chế đi lại khi không cần thiết, hạn chế các sinh hoạt đối với các hoạt động trong môi trường kín… nghĩa là cần tìm ra những hoạt động nguy cơ cao gây lây lan dịch bệnh để cấm hoặc hạn chế để cắt đứt nguồn lây.
Việc phong tỏa hoặc giãn cách tiếp địa bàn nào cần dựa trên kết quả xét nghiệm diện rộng. Đối với địa bàn nào thực hiện phong tỏa phải rất nghiêm, hạn chế việc tiếp xúc giữa người bệnh với người lành, cắt đứt sự lây lan dịch bệnh và các trường hợp dương tính sẽ giảm đi.