Y tế - Sức khỏe
TP.HCM thay đổi chiến lược điều tra, truy vết, xét nghiệm phòng chống Covid-19
D.Ngân - 04/07/2021 12:51
TP.HCM sẽ thay đổi chiến lược phòng chống Covid-19, bảo đảm 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin.

Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 15.892 người mắc Covid-19. Trong 24 giờ qua, hầu hết ca mắc mới được phát hiện ở TP.HCM. Đến sáng nay 4/7, TP.HCM có tổng cộng 5.652 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Số ca mắc tăng cao chóng mặt là thực tế tại TP.HCM những ngày gần đây khi có ngày phát hiện lên tới 700 - 800 ca nhiễm - một con số kỷ lục của Việt Nam.

Sau Bắc Giang, Bắc Ninh, dịch Covid-19 đang khiến cho đầu cầu kinh tế lớn nhất phía Nam chao đảo, không biết lúc nào có hồi kết.

Để ứng phó với dịch, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), Sở Y tế TP đã có công văn khẩn đề nghị Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn TP, dự kiến thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, (trung bình 6.000 - 8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng TP.Thủ Đức trung bình từ 18.000 - 24.000 mẫu/ngày).

Như vậy, trong thời gian tới, các trường hợp F1 được phát hiện sau khi điều tra dịch tễ, truy vết từ ca F0 sẽ được thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh, đồng thời lấy mẫu đơn xét nghiệm khẳng đinh RT- PCR.

Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần của các ca này để chuyển cách ly, xét nghiệm trong thời gian chờ kết qua xét nghiệm RT-PCR.

Các đối tượng khác như F2 sẽ được xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và lấy mẫu gộp theo từng hộ gia đình hoặc 2 - 3 hộ trong cùng một mẫu gộp để thuận lợi cho việc truy vết sau này. 

Nếu kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2 thì xử lý như trường hợp nhiễm trong khi chờ kết quả khẳng định RT- PCR. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy mẫu được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ đế tránh lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Từng hộ sẽ được mời lần lượt ra điểm lấy mẫu, bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất.

Công tác xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ có thay đổi trong công tác truy vết trường hợp liên quan. Cụ thể, việc phân công lực lượng truy vết nhằm đàm bảo 100% ca bệnh F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin và các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ; các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. 

Thần tốc xét nghiệm này nhằm mục đích khoanh vùng, điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý, trên cơ sở đó quyết định việc điều chỉnh phạm vi phong tỏa.

Đối với công tác điều tra dịch, xác định các mốc dịch tễ của F0, lập danh sách F1 gần, F1 xa và F2 của F1 gần sẽ được điều tra theo thực tế tiếp xúc, không theo hộ khẩu.

Người có hộ khẩu nhưng không sống tại địa phương, không tiếp xúc thì không tính; ngược lại đối với người dù không có hộ khẩu nhưng có sinh hoạt trong khu vực, thân nhân, bạn hữu thăm viếng thì vẫn phải lập danh sách người tiếp xúc... Đồng thời, những người tiếp xúc với F0 sẽ được phân loại mức độ nguy cơ tiếp xúc, từ đó sẽ lên phương án xử lý thích hợp.

Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 lần này, TP.HCM sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy điều tra dịch và can thiệp chống dịch tại cộng đồng. Trung tâm Y tế quận huyện và trạm y tế sẽ đảm trách tổ chức lực lượng điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm phục vụ chống dịch. 

Các lực lượng này chỉ tập trung công việc của mình, không kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, để đảm bảo hoàn thành công tác truy vết thật chi tiết, hiệu quả và công tác xét nghiệm nhanh chóng, an toàn.

Nói về công tác chống dịch đang triển khai tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có những quyết định "hết sức cần thiết" như thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm với mục đích đẩy nhanh công tác xét nghiệm.

Việc cách ly trường hợp F1 tại nhà như hướng dẫn của Bộ Y tế áp dụng cho TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho là rất cần thiết. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới, khi TP.HCM xây dựng kế hoạch có thể sử dụng công thức 14+14. Nghĩa là những F1 sau 14 ngày cách ly tập trung sẽ được khảo sát nơi lưu trú nếu đủ điều kiện như quy định của Bộ Y tế thì sẽ tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày để giảm tải cho khu cách ly tập trung.

Trong cuộc họp gần đây giữa lãnh đạo UBND TP/HCM với Trung ương, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh TP.HCM phải tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm. Năng lực ở đây không phải là số lượng xét nghiệm mà là khâu tổ chức xét nghiệm để làm sao không bỏ sót F0.

Ngày 4/7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 2 ca tử vong số 85 và 86.

Ca tử vong số 85 là bệnh nhân 5220, nữ, 81 tuổi, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm điều trị thuốc thường xuyên, mổ thay khớp gối nhân tạo trái cách 4 năm, tai biến mạch máu não năm 2019 di chứng suy giảm trí nhớ. 

Bệnh nhân tử vong hồi 12 giờ 9 phút ngày 2/7 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết, viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, tai biến mạch não cũ.

Ca tử vong số 86 là bệnh nhân 9533, nam, 64 tuổi, ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Bệnh nhân có tiền sử ung thư vòm họng phát hiện từ tháng 1/2021 đã điều trị hóa xạ trị nhiều đợt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Bệnh nhân tử vong hồi 12 giờ 12 phút ngày 2/7 với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư vòm họng.

Tin liên quan
Tin khác