Trước đó, ngày 24/4, Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba đã nộp hồ sơ niêm yết 25 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE và chính thức được chấp thuận niêm yết sàn HoSE ngày 13/11/2023.
Theo tìm hiểu, Công ty Siba Group được thành lập năm 2015, tiền thân là CTCP Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế… và tới năm 2022, Công ty chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Hiện nay, Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực mảng cơ khí chế tạo - xây dựng; mảng thương mại và cung cấp dịch vụ; và mảng năng lượng.
Cơ cấu cổ đông của Siba Group tại thời điểm 30/9/2023 (Nguồn: Siba Group) |
Về cơ cấu cổ đông, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty Siba Group có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Siba Holdings sở hữu 55,6% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Đức sở hữu 6,06% vốn điều lệ; và còn lại 38,34% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5%. Trong đó, 9 tháng đầu năm trước khi niêm yết sàn HoSE, hai cổ đông lớn lần lượt bán ra giảm sở hữu là ông Nguyễn Văn Đức giảm sở hữu từ 17,7%, về 6,06% vốn điều lệ và bà Phan Hồng Vân giảm sở hữu từ 9,04%, về 3,04% vốn điều lệ.
Thành viên thứ hai của hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long niêm yết sàn HoSE
Theo dữ liệu mà phóng viên Báo Đầu tư có được, trước thời điểm niêm yết trên sàn, Công ty Siba Group đã đẩy mạnh tăng vốn. Trong đó, nếu như năm 2019 vốn điều lệ chỉ 90 tỷ đồng, thì tới cuối quý III/2023 đã lên tới 250 tỷ đồng, tăng gấp 1,78 lần thời điểm cuối năm 2019.
Cụ thể, năm 2021, Công ty tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông mới (do cổ đông hiện hữu không mua), tương ứng phát hành thêm 6 triệu và ghi nhận thặng dự là 30 tỷ đồng, ước tính giá phát hành khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu; năm 2022, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng, lên 250 tỷ đồng bằng hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng, tương ứng phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu với giá khoảng 14.982 đồng/cổ phiếu.
Quay trở lại với cơ cấu cổ đông của Công ty Siba Group, cổ đông lớn nhất là CTCP Siba Holdings. Trong đó, ông Trương Sỹ Bá đang là Chủ tịch HĐQT tại CTCP Siba Holdings, Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn Tân Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF - sàn HoSE).
Như vậy, việc niêm yết sàn HoSE của Công ty Siba Group có thể xem như là đơn vị thứ hai trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Long niêm yết trên sàn HoSE.
Giảm quy mô tài sản hơn 1.150,6 tỷ đồng trước thềm niêm yết sàn HoSE
Về hoạt động kinh doanh của Công ty Siba Group trước thời điểm chào bán, Công ty có dấu hiệu cải thiện về biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Trong đó, nếu năm 2019, biên lợi nhuận gộp chỉ 0,11% và biên lợi nhuận ròng chỉ 0,04% thì tới 9 tháng đầu năm 2023, biên lợi nhuận gộp đã lên tới 2,42% và biên lợi nhuận ròng lên tới 1,02%.
Kết quả kinh doanh của Siba Group trước thời điểm chào sàn HoSE. (Nguồn: Siba Group) |
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tăng 7,4%, lên 3.092,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 14,5%, lên 31,41 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,25%, lên 2,42%.
Phải thu ngắn hạn của Siba Group chủ yếu là phải thu ngắn hạn của khác hàng (Nguồn: Siba Group) |
Trong đó, điểm đáng lưu ý, tại thời điểm ngày 30/9/2023, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận lên tới 719,46 tỷ đồng, chiếm 61,1% tổng tài sản (tổng tài sản là 1.177,6 tỷ đồng). Công ty thuyết minh các khoản phải thu ngắn hạn chủ yếu ghi nhận 635,5 tỷ đồng là phải thu của khách hàng.
Quy mô tài sản của Siba Group giảm mạnh trước thềm niêm yết sàn HoSE. (Nguồn: Siba Group) |
Nếu nhìn rộng ra, quy mô tài sản của Công ty Siba Group có dấu hiệu suy giảm mạnh so trước thềm niêm yết. Trong đó, đỉnh điểm năm 2020 với quy mô tài sản lên tới 2.328,2 tỷ đồng, nhưng tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản chỉ còn 1.177,6 tỷ đồng, giảm 1.150,6 tỷ đồng.
Như vậy, việc quy mô tài sản suy giảm, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm trọng số, chủ yếu là phải thu của khách hàng vẫn là khoản mục chiếm trọng số trong cơ cấu phải thu ngắn hạn.