Thời sự
Tổng thống Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga
PV - 21/03/2014 01:00
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20/3 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức Nga và các cá nhân khác cũng như một ngân hàng, đồng thời đe dọa sẽ trực tiếp nhắm vào nền kinh tế Nga do Moskva sáp nhập Crimea. >>>


Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt với những khu vực quan trọng của nền kinh tế Nga. (Ảnh: dailymaverick.co.za)

"Nga phải biết rằng việc leo thang thêm nữa sẽ chỉ càng làm cho họ bị cô lập với cộng đồng quốc tế," ông Obama phát biểu tại Nhà Trắng.

Người đứng đầu nước Mỹ cho biết sẽ tập trung một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân ở Nga, gồm cả trong và ngoài chính phủ, để trả đũa các hành động của Điện Kremlin tại Ukraine.

Ngoài ra, Tổng thống Obama khẳng định, ông đã ký sắc lệnh thi hành để cho phép Mỹ áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với những khu vực quan trọng của nền kinh tế Nga.

Những hình thức trừng phạt mới đánh dấu loạt lệnh trừng phạt thứ hai mà Mỹ áp đặt đối với Nga trong tuần này.

Một số nhà phân tích cho rằng những lệnh trừng phạt đầu tiên hầu như không gây tác động gì để ngăn cản Moskva có hành động sáp nhập bán đảo Crimea có tầm quan trọng chiến lược của Ukraine vào nước Nga.

Trước đó, Duma quốc gia Nga (Hạ viện) đã phê chuẩn hiệp ước về việc sáp nhập Crimea, được ký kết ngay sau bài phát biểu chấn động của Tổng thống Vladimir Putin hôm 18/3.

Với 443 phiếu thuận và một phiếu chống, Duma quốc gia Nga đã nhất trí với Hiệp ước sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol với tư cách là chủ thể./.


S&P hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống mức tiêu cực

Theo AFP, ngày 20/3, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor (S&P) đã hạ triển vọng tín nhiệm của Nga xuống mức tiêu cực do những nguy cơ chính trị-địa chính trị gia tăng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Trong báo cáo được chuẩn bị trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Washington công bố đợt trừng phạt mới cùng ngày, S&P nhận định: "Nguy cơ địa chính trị tăng cao và viễn cảnh Mỹ và EU tiến hành trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư tiềm năng và làm suy yếu thêm hiệu năng kinh tế vốn đang ngày càng bị xói mòn của Nga.”

Trước đó, ngày 17/3, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov đã cảnh cáo rằng nền kinh tế nước này đang lâm vào khủng hoảng.

Cùng chung ý kiến trên, giới phân tích nhận định nền kinh tế Nga sắp chịu tổn thất do đồng rup tiếp tục suy yếu và bất đồng giữa Tổng thống Vladimir Putin với Phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine./.


Tin liên quan
Tin khác