ổng thống Mỹ Donald Trump |
Việc áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News hồi tuần trước và được phát sóng đêm 19/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các mức thuế cao mà chính quyền Washington áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang khiến nhiều công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam và các nước châu Á khác.
Ông cũng nêu rõ Mỹ và Trung Quốc đã có "một thỏa thuận rất chắc chắn..., một thỏa thuận tốt. Đến phút chót, họ đã thay đổi điều đó và tôi cho rằng điều đó cũng không sao, chúng tôi sẽ đánh thuế các sản phẩm của họ."
Tổng thống Trump nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của Washington với Bắc Kinh không thể là một thỏa thuận theo kiểu 50-50.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ liên quan đến những cáo buộc về đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, gọi đây là "công cụ chính trị" của Washington với ý đồ cản trở sự phát triển kinh tế của cường quốc châu Á.
Mỹ đã đưa ra những cáo buộc về "hành vi đánh cắp công nghệ" của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gia tăng.
Theo bài viết đăng trên tờ People's Daily nhằm vào báo cáo của Washington công bố hồi tháng 3/2018, cho rằng các tác giả đã bịa đặt khi tuyên bố rằng Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá hàng trăm tỷ USD của Mỹ.
Bài báo nhấn mạnh: "Nếu báo cáo chỉ dựa trên những số liệu tưởng tượng hoặc có lựa chọn, thì nó chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng."
Theo bài báo trên: "Quyền sở hữu trí tuệ phải là cầu nối cho sự đổi mới và hợp tác giữa các nước. Trong cách hành xử của Mỹ, nó trở thành 'công cụ chính trị', một vũ khí để kiềm chế các quốc gia khác và là bức màn để bắt nạt thế giới."
Bài báo khẳng định Trung Quốc trở thành nước đi đầu thế giới trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bài báo cho rằng Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và đạt tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, đồng thời không ngừng tăng cường bảo vệ hệ thống này. Nhiều công ty nước ngoài sẵn sàng tham gia hợp tác kỹ thuật và nhận được sự hợp tác tích cực từ phía Bắc Kinh.
Tháng 1 vừa qua, các công tố liên bang Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra hãng cung cấp thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc với cáo buộc tìm cắt đánh cắp công nghệ từ nhà mạng T-Mobile của Mỹ.
Trung tuần tháng 5, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ".
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách Thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Cho đến nay Huawei khẳng định không vi phạm. Tập đoàn Huawei đã ra tuyên bố khẳng định "các hạn chế vô lý" của Mỹ đã xâm phạm các quyền của tập đoàn này.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn".