Viễn thông - Công nghệ
Tổng Thư ký ITU: “Việt Nam có mô hình chuyển đổi số tuyệt vời”
Hữu Tuấn - 12/10/2021 11:10
Ngày 12/10, Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 trực tuyến đã diễn ra với sự tổ chức của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2021 dự kiến thu hút khoảng 20.000 lượt người truy cập với sự có mặt của các hãng công nghệ ICT hàng đầu thế giới tham gia trưng bày sản phẩm số; sự tham gia diễn thuyết của khoảng 50 Bộ trưởng ICT và lãnh đạo các Tập đoàn lớn về ICT trên thế giới.

Ông Zhao Houlin, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đã có cuộc trao đổi với báo giới Việt Nam về các vấn đề sẽ được thảo luận tại sự kiện lần này, gồm: cung cấp dịch vụ băng rộng với giá phải chăng, chuyển đổi số, vai trò to lớn của ICT trong việc duy trì các hoạt động kinh tế xã hội trong đại dịch Covid...

Vì sao Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) lại chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021?

Cách đây 50 năm, sự kiện ITU Telecom lần đầu tiên được tổ chức trên thế giới và sau đó thường diễn ra ở một khu vực khác nhau mỗi năm, trên cơ sở luân phiên để cân bằng. Gần đây nhất, sự kiện được tổ chức ở Budapest (Hungary) và Durban (Nam Phi). Các nước chủ nhà được lựa chọn thông qua quá trình ứng cử cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam là nước chủ nhà tuyệt vời để tổ chức sự kiện này.

Chúng tôi rất vui mừng nhận được sự cam kết và hỗ trợ nhiệt tình của Chính phủ Việt Nam để tổ chức trực tiếp sự kiện ITU Telecom World 2020, nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải chuyển sang hình thức trực tuyến - và Việt Nam tiếp tục đóng vai trò nước chủ nhà với sự kiện ITU Digital World 2021.

Ông Zhao Houlin, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới (ITU).

Thành tựu đáng kể của Việt Nam trong phát triển CNTT-TT và vai trò dẫn dắt trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành nước chủ nhà lý tưởng cho sự kiện, vốn tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số. Tôi cũng rất ấn tượng về tốc độ phát triển lĩnh vực CNTT-TT của các bạn và đánh giá cao về việc đầu tư của Việt Nam tại những nước châu Phi, Mỹ La Tinh.

Lâu nay chúng ta nói về viễn thông vẫn là hình ảnh cũ kỹ về chiếc điện thoại cố định, nhưng khi nói đến lĩnh vực ICT là nói đến sự phát triển mới mẻ của các doanh nghiệp công nghệ và ứng dụng. Đây cũng là xu hướng phát triển trên toàn cầu.

Năm 2019, sự kiện được tổ chức tại Hungari và chúng tôi vẫn gọi là sự kiện viễn thông thế giới ITU Telecom World. Nhưng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất đổi tên thành ITU Digital World (Thế giới công nghệ thông tin truyền thông). Việc đổi tên sự kiện ITU Telecom thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, nhằm phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông.

Cảm nhận của ông khi chứng kiến Việt Nam tổ chức sự kiện này như thế nào?

ITU đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ tận tâm và nhiệt tình trong khâu tổ chức phiên bản kỷ niệm 50 năm sự kiện ITU Telecom. Tôi cho rằng, tổ chức sự kiện này tại Việt Nam là một quyết định đúng đắn. Thành tựu đáng kể trong phát triển CNTT-TT khiến Việt Nam trở thành một mô hình tuyệt vời cho khu vực và thế giới.

Tôi kỳ vọng rằng, Hội nghị Bộ trưởng trong vài ngày tới sẽ quy tụ những đại diện hàng đầu của khu vực công và tư nhân để xem xét vai trò của chính phủ trong cắt giảm chi phí băng thông rộng, mở rộng kết nối băng thông rộng và thúc đẩy xã hội số.

Kinh nghiệm và sáng kiến của Việt Nam trong chuyển đổi số, bao gồm cả chiến lược Chính phủ điện tử đầu tiên mới công bố, sẽ giúp định hướng thảo luận và là một mô hình vô cùng tích cực cho các chính phủ khác nghiên cứu, xem xét.

Tôi cũng đón chờ triển lãm ảo sẽ khai mạc trong tuần này và trưng bày các gian hàng quốc gia, các ngành công nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Đối với cá nhân tôi, khi đến đến thăm nước đang phát triển, tôi bao giờ cũng đến thăm trường học. Khi đến Tonga, tôi thăm 2 trường mà Thủ tướng và Phó Thủ tướng nước này đều từng học tại đây vào năm 2016, trường này vẫn chưa có kết nối Internet. Ở Italia cũng có nhiều trường học chưa được kết nối Internet. Ở Panama tôi đã đến thăm 1 ngôi trường được Microsoft tặng nhiều máy tính nhưng trường lại không có kết nối Internet. Tôi đánh giá cao sáng kiến Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Việt Nam. Trẻ em là tương lai của chúng ta nên giáo dục trẻ em đóng vai trò rất quan trọng, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này.
 

Với cương vị là Tổng thư ký, ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí và đóng góp của Việt Nam trong ITU?

 Thành tựu đáng kể của Việt Nam trong phát triển công nghệ thông tin-truyền thông, bao gồm cả chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, khiến Việt Nam trở thành một mô hình tuyệt vời cho khu vực và các nước đang phát triển trên thế giới.

Tôi đánh giá cao Việt Nam đã tổ chức Thế giới số ITU vào năm 2020, sự kiện trực tuyến đầu tiên của chúng tôi và tiếp tục là nước chủ nhà năm nay, đặc biệt là cam kết mạnh mẽ và sự hỗ trợ tuyệt vời của Việt Nam.

Tôi cũng ghi nhận vai trò của Việt Nam với tư cách là một nhà cung cấp công nghệ thông tin-truyền thông và nền kinh tế số hàng đầu trong khu vực ASEAN, đồng thời là một đối tác quan trọng tại nhiều thị trường, từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ Latinh và khu vực Caribe.

Có rất nhiều vấn đề được thảo luận tại sự kiện như chuyển đổi số, hỗ trợ người dân tiếp cận băng rộng với chi phí bình dân, xây dựng tương lai số… Vậy thông điệp mà ITU muốn đem đến là gì, thưa ông?

 Với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số", Thế giới số ITU 2021 quy tụ các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới và hệ sinh thái CNTT-TT, các chính phủ, toàn ngành CNTT-TT, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghệ đến những tập đoàn lớn, các học viện và tổ chức quốc tế.

Đại dịch Covid 19 cho chúng ta thấy tầm quan trọng của kết nối số và dịch vụ số; đồng thời thể hiện rõ khoảng cách số giữa những người có tiếp cận và những người không được tiếp cận. Giờ là lúc hành động nhằm thu hẹp khoảng cách này và tạo điều kiện cho 3,7 tỷ người chưa được kết nối có thể tiếp cận băng thông rộng, cũng như các cơ hội và lợi ích mà nó mang lại. Chúng ta chỉ có thể đạt được mục tiêu đó, thông qua hợp tác trong và giữa các chính phủ, quốc gia, toàn ngành CNTT-TT, các ngành dọc, các tổ chức quốc tế, khu vực công, tư và dân sự.

Thông điệp chính của chúng tôi tại sự kiện này là cùng nhau - chúng ta có thể kết nối những người chưa được kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới: từ trí tuệ nhân tạo đến cơ sở hạ tầng di động 5G, vốn là trọng tâm của nền kinh tế số. Bây giờ là lúc để tăng tốc chuyển đổi số ở Việt Nam, khu vực và trên thế giới.

 Định hướng trong quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên được thực hiện như thế nào, thưa ông?

ITU được thành lập từ năm 1865 và là cơ quan lâu đời nhất của Liên hợp quốc, có sự tham gia của những người trẻ tuổi và những con người sáng tạo. Kết nối số và chuyển đổi số là trọng tâm của các hoạt động giữa ITU với các nước thành viên.

Sứ mệnh của ITU là kết nối thế giới. ITU cùng với các thành viên thực hiện phân bổ phổ tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh để thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng trong ngành công nghệ thông tin; về tiêu chuẩn hóa quốc tế để tạo ra các sân chơi bình đẳng và kinh tế quy mô, giúp giảm chi phí của toàn bộ hệ sinh thái; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ở các nước đang phát triển thông qua các mạng lưới, cơ sở hạ tầng, kỹ năng số, khuôn khổ chính sách và quy định.

Đây là những hoạt động cốt lõi của ITU và các thành viên nhằm đặt nền tảng cho chuyển đổi số. Tôi xin lưu ý rằng các thành viên của ITU bao gồm các Chính phủ, khu vực tư nhân, học viện, các tổ chức khu vực và quốc tế.

ITU đóng vai trò chính trong thu thập dữ liệu. Số liệu thống kê của ITU là một nguồn tham khảo trên toàn thế giới. Hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm quan hệ đối tác công tư là điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tất cả các sáng kiến chung của ITU đều hướng tới mục tiêu này - dù là với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tận dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ chăm sóc sức khỏe, với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để làm sáng tỏ cách các công nghệ mũi nhọn mới có thể đảm bảo an ninh lương thực, với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để kết nối mọi trường học với internet, hoặc với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để thúc đẩy việc làm tử tế và nâng cao kỹ năng số cho những người trẻ tuổi trong nền kinh tế số châu Phi.

Liên minh số Partner2Connect là một cơ chế đa bên được ITU triển khai gần đây nhằm thúc đẩy kết nối và chuyển đổi số hiệu quả ở những cộng đồng khó kết nối nhất, bao gồm cả các quốc gia kém phát triển nhất, các quốc gia đang phát triển không giáp biển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Thông qua các quan hệ đối tác như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự chung và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

 Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Ông đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện hóa mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian tới?

Chuyển đổi số là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, vì vậy công nghệ thông tin-truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin cũng như chuyển đổi số.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Chính phủ điện tử và những nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của người dân. Họ mong muốn đưa các ý kiến để Chính phủ lắng nghe và đóng góp vào việc thực hiện công nghệ thông tin, giúp cho việc thực hiện kế hoạch này hiệu quả hơn. Việt Nam là một điển hình tốt trong việc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số thành công ở Việt Nam chỉ là thời điểm sớm hay muộn mà thôi. Đây không chỉ không phải chỉ là nguyện vọng, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam mà là của tất cả người dân. Với sự chung sức, đồng lòng ủng hộ nỗ lực chuyển đổi số này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ thành công.

Tin liên quan
Tin khác