Thứ nhất, định giá quá cao. Tất nhiên, không có công thức chung cho việc định giá, nhưng nhiều start-up lại đặt ra những mức định giá cao đến phi lý. Điều này thể hiện bản thân nhà sáng lập không thực sự thấu hiểu doanh nghiệp của mình, hoặc quá ảo tưởng vào giá trị doanh nghiệp.
Các nhà sáng lập nên hiểu rằng, gọi vốn cũng là một hình thức giao dịch theo kiểu “thuận mua, vừa bán”. Nếu start-up định giá quá cao, dù mô hình hay, ý tưởng hấp dẫn, bên mua (các nhà đầu tư) cũng sẽ từ chối vì cho rằng người sáng lập thiếu thực tế và tự tin thái quá.
Thứ hai, gọi vốn khi sắp hết tiền. Một vòng gọi vốn có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, do đó, start-up cần chuẩn bị kế hoạch cẩn thận trước khi sức ép tài chính ập tới.
Hãy tưởng tượng, bạn có tiền và chỉ cần vay tiền để bổ sung, thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc không có một xu “dính túi” và đi vay tiền. Việc kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Không một nhà đầu tư nào dám “ném tiền qua cửa sổ”, mang tiền đi đầu tư cho một doanh nghiệp không có năng lực quản lý tài chính và không biết cách điều tiết dòng tiền hiệu quả, “nước đến chân mới nhảy”.
Thứ ba, thiếu hiểu biết về khách hàng và thị trường mục tiêu. Một trong những tiêu chí cơ bản để doanh nghiệp có thể thành công là phải đánh giá được đối thủ cạnh tranh và đưa ra lợi thế lớn nhất của mình so với các đối thủ, từ đó trả lời cho câu hỏi: Tại sao khách hàng lại phải tìm đến mình mà không phải là công ty đối thủ?
Trên thực tế, vấn đề rất cơ bản này bị một số start-up coi nhẹ, chỉ cần thấy ý tưởng có vẻ hay là lập tức triển khai và đưa ra sản phẩm, dịch vụ, bỏ qua bước tìm hiểu thị trường. Tất nhiên, không nhà đầu tư nào muốn rót tiền vào start-up “lơ mơ” về thị trường như vậy và cái kết chờ sẵn các start-up này thường là thất bại.
Cuối cùng, lẫn lộn giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Không thể phủ nhận rằng, nguồn lực tài chính vững vàng từ cá nhân có thể hỗ trợ rất tốt cho quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, các nhà sáng lập vẫn cần có sự phân biệt rạch ròi giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp khi đứng ra quản lý, vận hành start-up. Nếu không tách bạch được hai khoản này, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lợi nhuận thực tế.
Bên cạnh đó, lẫn lộn tài chính cá nhân và doanh nghiệp có thể khiến nhà sáng lập gặp khó khăn khi cần tìm nhà đầu tư vào thời điểm muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Phía nhà đầu tư sẽ lo sợ việc chủ doanh nghiệp “cất tiền bỏ túi riêng”, không đủ sự tin tưởng để quyết định đầu tư.
Ngoài ra, khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn, đối mặt với quá nhiều chi phí, hóa đơn cùng nhiều khoản thua lỗ, nhiều nhà sáng lập liền lấy tài chính cá nhân ra để bù lỗ và tiếp tục đầu tư nhằm “cứu vớt” sự nghiệp kinh doanh. Quyết định này không sai, nhưng nếu không cân đối khéo léo, họ có thể sẽ mất “cả chì lẫn chài” và hoàn toàn tay trắng.