Thông tin trên được cập nhật trong Báo cáo tình hình triển khai đến tháng 07/2019 của Sở Công thương về Chương trình Bình ổn thị trường năm 2019-Tết Canh Tý 2020 tại TP.HCM.
Cụ thể, trong tổng doanh thu luỹ kế nói trên, nhóm hàng Lương thực, thực phẩm mang về hơn 6.300 tỷ đồng (tăng gần 9,5% so với cùng kỳ, với 4/10 nhóm hàng cung ứng vượt kế hoạch là rau củ quả, thịt heo, thịt gia cầm và thực phẩm chế biến. Hai nhóm đạt dưới 50% so với kế hoạch là lương thực và thuỷ hải sản.
Doanh thu chương trình Mùa khai giảng đạt 426,4 tỷ đồng, tăng 22.1% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng đồng phục có sức mua giảm, chủ yếu do các trường ngày càng có xu hướng chủ động tổ chức may đồng phục riêng cho học sinh.
Doanh thu luỹ kế chương trình Sữa với 4 nhóm hàng thiết yếu tăng 11.5% so với cùng kỳ, đạt 387,1 tỷ đồng. Cuối cùng, 21,2 tỷ đồng là doanh thu chương Dược với 21 nhóm thuốc và 634 mặt hàng.
Sản lượng các mặt hàng cung ứng trong Chương trình giữa tháng thường và tháng Tết
Mặt hàng | Sản lượng tháng thường | Sản lượng tháng Tết |
Lương thực | 2.553,8 tấn/tháng | 3.336,4 tấn/tháng |
Đường | 1.345 tấn/tháng | 1.800 tấn/tháng |
Dầu ăn | 715 tấn/tháng | 1.135 tấn/tháng |
Thịt gia súc | 4.019 tấn/tháng | 5.148 tấn/tháng |
Thịt gia cầm | 9.062 tấn/tháng | 10.367 tấn/tháng |
Thực phẩm chế biến | 485,9 tấn/tháng | 1.001tấn/tháng |
Rau, củ, quả | 4.930 tấn/tháng | 8.277 tấn/tháng |
Thuỷ, hải sản | 123 tấn/tháng | 191 tấn/tháng |
Gia vị | 423,2 tấn/tháng | 876 tấn/tháng |
Trứng gia cầm | 47,97 triệu quả/tháng | 64,67 triệu quả/tháng |
Đến nay, có 12 tổ chức tín dụng đăng ký tổng vốn hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện bình ổn thị trường là 19.650 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5%-7%/năm, trung và dài hạn 9-10%/năm).
Được biết, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25%-30% nhu cầu thị trường và tăng thêm khoảng 10% vào các tháng Tết.
Với mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.HCM năm học 2019-2020 với hơn 9,6 triệu cuốn tập, hơn 440.000 bộ đồng phục, trên 1 triệu ba lô/túi xách, 900.000 đôi giày dép.
Với mặt hàng sữa, có gần 1.500 tấn sữa/năm tham gia bình ổn thị trường (khoảng 121,3 tấn/tháng) và 1,2 triệu lít sữa nước/năm.
Về hệ thống phân phối, tại kênh truyền thống, hiện Thành phố có 239 chợ và chiếm tỷ trọng lớn nhất (65-70%) trong bán lẻ hàng hoá thiết yếu.
Còn kênh hiện đại, trên địa bàn TP.HCM hiện có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.566 cửa hàng tiện lợi.