Ngày 13/1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác giải ngân đầu tư công năm 2023, triển khai nhiệm vụ giải pháp năm 2024.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, tính đến ngày 12/1, tỷ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố mới đạt gần 46.000 tỷ đồng (đạt 67%). Hiện vẫn còn nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, người đứng đầu chính quyền Thành phố đề nghị các sở, ngành tập trung thảo luận đề ra giải pháp để năm 2024 giải ngân đầu tư công đạt 95%.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được đầu tư bằng vốn ngân sách TP.HCM và vốn Trung ương. Ảnh: Lê Quân |
Thông tin về số vốn đầu tư công năm 2024, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm nay Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao tổng vốn đầu tư là 79.263 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 3.686 tỷ đồng.
Theo bà Mai, nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công năm 2023 không đạt như kế hoạch đề ra là do các đơn vị tính toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng không sát với thực tế dẫn đến số vốn thực tế thấp hơn so với số vốn được phê duyệt nên không giải ngân hết số vốn được giao. Số vốn không giải ngân được vì nguyên nhân này là 10.508 tỷ đồng.
Một nguyên nhân nữa là bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm kéo theo tiến độ thi công của nhiều dự án chậm nên số vốn không giải ngân được là 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị, chủ đầu tư khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư vẫn còn sơ sài dẫn đến làm chậm tiến độ, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ, điều chỉnh dự án.
Về giải pháp khắc phục Sở Kế hoạch và Đầu tư đã lập kế hoạch giải ngân với số liệu chi tiết từng dự án theo từng tháng. Bắt đầu từ cuối tháng 1/2024, các tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư công sẽ tập trung rà soát tiến độ thực hiện các dự án, và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm.
Để khắc phục những hạn chế trong việc bố trí vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các đơn vị cần tách riêng phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho từng dự án, không nêu chung chung với vốn xây lắp để các quận, huyện xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể.
Ông Thắng cũng đề nghị UBND các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư rà soát kỹ số vốn đủ cho nhu cầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh trường hợp ghi dư vốn hoặc thiếu vốn. “Các địa phương cam kết số vốn dự toán ghi chênh lệch so với thực tế không quá 5%. Đối với các trường hợp dư hoặc thiếu vốn, cần báo cáo, đề xuất ngay với Sở Kế hoạch và Đầu tư để có hướng xử lý phù họp như điều chuyển vốn, bổ sung vốn” ông Thắng đề xuất giải pháp.
Ngoài các giải pháp mà các sở, ngành nêu ra, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cần rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư vì nhiều dự án được giao chuẩn bị đầu tư từ tháng 9/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt.
Ông Mãi cũng chỉ ra bất cập liên quan đến công tác phối hợp giữa các sở, ngành với các địa phương trong việc phối hợp đưa dự án vào danh mục thu hồi đất trình HĐND Thành phố.
Ông dẫn chứng dự án Bờ Bắc Kênh Đôi (Quận 8) hay một số dự án cần cho ý kiến làm nhanh, chuẩn bị khởi công trước 30/4/2025 nhưng trong tờ trình xin thu hồi đất năm 2024 chuẩn bị trình HĐND Thành phố lại không có. “Không thể nói việc này là của Sở Tài nguyên và Môi trường vì chủ đầu tư và địa phương phải đăng ký và phối hợp đồng bộ với các sở, ngành”, ông Mãi nói và yêu cầu tránh lặp lại trình trạng này trong năm nay.
Một giải pháp quan trọng nữa mà Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt trong năm 2024 là xử lý các nhà thầu yếu kém, vi phạm hợp đồng. "Chúng ta đã xử lý trách nhiệm cơ quan hành chính, xử lý cán bộ đứng đầu, chủ đầu tư. Bây giờ, chúng ta cần xử lý các bên liên quan, kể cả phía nhà thầu làm ảnh hưởng tiến độ dự án", ông Mãi giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và chủ đầu tư.
Để tránh tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm hối hả trong giải ngân đầu tư công, TP.HCM đặt mục tiêu trong quý I/2024 giải ngân ít nhất là 12%.