Theo đó, người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương.
Sở Công thương TP.HCM và Thành phố Thủ Đức đã sắp xếp hai bãi tập kết rau củ quả trước khi phân phối về các chợ truyền thống.
Mô hình này sẽ được triển khai để tiếp nhận hàng với chợ đầu mối Hóc Môn để tăng cường hàng hoá về TP.HCM trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã thông tin về mô hình này trong buổi họp báo chiều ngày 13/7 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Theo đại diện Sở Công Thương, việc cung cấp hàng hoá thiết yếu trong 24 giờ vừa qua về Thành phố chủ yếu lương thực, thực phẩm tươi sống, khoảng 1.900 tấn, tăng khoảng 100 tấn so với ngày 12/7.
Lượng hàng tăng thêm sau khi Sở Công Thương và Thành phố Thủ Đức sắp xếp được hai bãi tập kết rau củ quả trước khi phân phối về các chợ truyền thống.
Các khu vực chỉ tiếp nhận hàng trước khi trung chuyển, không phát sinh giao dịch trực tiếp. Nhân công ở hai bãi tập kết và tài xế, bốc xếp đều phải xét nghiệm âm tính và thực hiện các quy định phòng dịch.
Người dân tại TP.HCM xếp hàng mua thực phẩm (Ảnh: Lê Toàn). |
Việc bố trí hai bãi tập kết như trên phần nào đã giải quyết được vấn đề tiếp nhận hàng hoá từ các tỉnh về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Sở Công Thương cho biết, sẽ triển khai mô hình này với chợ đầu mối Hóc Môn để tăng cường hàng hoá về TP.HCM trong những ngày tới.
Trong thời gian giãn cách, nhu cầu tiêu thụ giảm nên lượng hàng về 3 chợ đầu mối khoảng 4.000-5.000 tấn, trong khi trước đó khoảng 7.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, những ngày qua các hệ thống phân phối hiện đại tăng dự trữ lên 1,5 lần.
Theo Sở Công Thương, tính đến ngày 12/7, có 68/235 chợ hoạt động, đến ngày 13/7 còn 59 chợ hoạt động trong khi có thêm 6 siêu thị tạm đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Việc này dẫn đến tình trạng phân phối hàng hoá cho người dân gặp khó khăn.Để khắc phục, Sở đã vận động nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp.
Trong đó, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) đã hỗ trợ bằng cách đưa các bưu cục ở địa phương trở thành điểm bán hàng lưu động.
Như vậy Sở Công thương có thêm hệ thống phân phối, đưa hàng đến tay người dân thông qua 34 điểm Viettel Post và khoảng 200 điểm của VN Post.
Ngoài ra, Sở phối hợp với các doanh nghiệp logistic tổ chức bán hàng lưu động.
Trong ngày 13/7, đơn vị này đã tổ chức 24 điểm bán với 30 lượt xe, chủ yếu cung cấp hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn gặp khó khăn về hệ thống phân phối.
Riêng phương án mở cửa lại các chợ truyền thống để giảm tải nhu cầu hàng hóa tại các siêu thị, Sở Công thương TP.HCM cho biết, chợ truyền thống có lượng hàng hóa và số người giao dịch rất lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát.
Vì vậy, căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương, các quận - huyện sẽ chủ động quyết định tạm dừng hoặc mở cửa trở lại các chợ truyền thống theo hướng đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống dịch bệnh.
Ngành Công thương đề nghị các địa phương xem xét tận dụng cơ sở vật chất tại các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động để bố trí cho 2-10 tiểu thương buôn bán giãn cách.
Các tiểu thương này phải có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh thực phẩm tươi sống và có xét nghiệm Covid-19 âm tính. Người dân sẽ được phát phiếu mua hàng theo giờ, không tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương để đảm bảo phòng chống dịch.