TP.HCM cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông (ảnh: Lê Toàn) |
Đây là vấn đề được nêu ra tại hội nghị duyệt các nội dung triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Sở Giao - thông vận tải TP.HCM.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, năm 2020, ngành giao thông Thành phố đề ra hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ để tập trung.
Trong đó, đối với việc đầu tư phát triển hạ tầng, Sở sẽ tập trung triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách đảm bảo tiến độ. Đồng thời, thực hiện rà soát và lập danh mục các công trình trọng điểm, trình UBND Thành phố để tập trung triển khai. Trong đó, các dự án vành đai, Quốc lộ và các tuyến cao tốc... cần được tập trung.
Theo ông Lâm, năm 2020 sẽ tập trung phát triển giao thông công cộng và triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân. Việc thực hiện bao gồm hàng loạt giải pháp nhỏ, phụ trợ.
Tuy nhiên, trước tình hình giao thông ở nhiều khu vực còn phức tạp, ông Lâm kiến nghị UBND Thành phố cần ưu tiên tập trung thực hiện các công trình giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu trung tâm, cửa ngõ Thành phố...
Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc cùng các địa phương quan tâm điều chỉnh quy hoạch và có quy hoạch theo định hướng ưu tiên phát triển giao thông cộng cộng, giao thông tĩnh…
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM (ảnh: Trọng Tín) |
Liên quan đến việc cân đối nguồn vốn cho các dự án giao thông hạ tầng, đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố hiện đang triển hàng loạt dự án lớn, trọng điểm thuộc chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nên khi cân đối các nguồn vốn, những dự án này luôn được ưu tiên.
Mặc dù vậy, đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thực tế quá trình triển khai các dự án, ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án..., tốn rất nhiều thời gian do vướng thủ tục.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, do đó cần đẩy mạnh xã hội hoá, coi đó là gốc để định hướng thực hiện các dự án. Còn nếu thực hiện theo hình thức đầu tư công sẽ vướng rất nhiều thủ tục và kéo dài thời gian, trong khi thời gian càng lâu, vốn càng tăng.
Theo ông Hoan, Sở Giao Thông - Vận tải Thành phố cần lập danh mục các dự án đầu tư năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, từ đó phân loại cụ thể dự án nào sử dụng ngân sách hoặc ngoài ngân sách..., trên cơ sở đó định hình và đưa ra hướng triển khai cụ thể.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM (ảnh: Trọng Tín) |
Vì vậy, Sở Giao thông - vận tải Thành phố cần phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án kinh tế đêm, hạn chế vận tải hàng hóa ban ngày và chuyển sang đêm.
TP.HCM phải bắt nhịp với xu thế hiện nay. Các nước phát triển trên thế giới đã triển khai thực hiện việc này. Như ở Singapore người ta cũng vận chuyển rác, nhà cửa đều phải làm ban đêm. Tuy nhiên, việc đưa vận tải hàng hóa vào ban đêm tất nhiên sẽ phát sinh nhiều chi phí lao động, nhưng các chi phí khác sẽ giảm. Đặc biệt, chi phí xã hội giảm rất nhiều, giải quyết được cả bài toán ô nhiễm môi trường, kẹt xe.
Giảm được kẹt xe thì giảm luôn chi phí vận chuyển trên đường. Người dân sẽ ít bệnh tật hơn và có mức sống tốt hơn. Dĩ nhiên, trước khi làm phải lấy ý kiến người dân, nhà khoa học, rồi nghiên cứu đánh giá tác động. Từ đó nếu quyết định, TP.HCM sẽ lên lộ trình giảm dần."