Y tế - Sức khỏe
TP.HCM cần tăng tốc độ xét nghiệm, chặn dịch lây lan
D.Ngân - 26/06/2021 10:30
Liên tiếp phát hiện các ca nhiễm Covid-19 mới khiến các tỉnh, thành phố phía Nam đặc biệt TP.HCM phải chạy “nước rút”, áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch lây lan.

Tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam tính đến nay đã vượt mốc 15 nghìn bệnh nhân. 

Nhận định về tình hình dịch bệnh hiện nay tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Thanh Long cho hay, dịch tại TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh khác khiến Bộ Y tế rất lo ngại.

Tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 của Việt Nam tính đến nay đã vượt mốc 15 nghìn bệnh nhân. 

Đối với TP.HCM, theo đánh giá chung có thể tiếp tục xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng nhưng không phát hiện được nguồn lây vì dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc việc tìm ra nguồn lây rất khó khăn.

Tiếp đến, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp rất lớn. Sở dĩ như vậy là do TP.HCM, đặc biệt là Bình Dương có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp.

Bộ Y tế đã đặt trọng tâm trong phòng chống dịch tại khu vực này, nhất là ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận có khu công nghiệp là phải tăng cường tất cả các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp.

Để ngăn dịch bùng phát tại khu công nghiệp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn chi tiết về phòng chống lây nhiễm tại khu vực này, như khi chưa có ca mắc thì cần triển khai những biện pháp nào.

Cụ thể, khi có 1 ca mắc thì làm gì và khi có nhiều ca mắc thì triển khai phòng, chống dịch như thế nào. Trên cơ sở đó, các địa phương phải áp dụng theo hướng dẫn này của Bộ Y tế.

Nhận định về hướng đi trong phòng chống dịch tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay thời gian qua, đặc biệt đối với TP.HCM hiện nay, những biện pháp ứng phó đã tương đối sớm, kịp thời và chủ động. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, TP.HCM phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, cho dù là theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 thì cũng không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, tình trạng giao lưu đi lại giữa các khu vực lẫn nhau. Điều đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

“TP.HCM cần phải khóa chặt cả bên ngoài và bên trong, có như thế mới có thể kiểm soát được tốc độ lây nhiễm tại đây”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Vấn đề tiếp theo đối với TP.HCM theo Bộ trưởng Bộ Y tế là phải triển khai quyết liệt hơn các biện pháp về xét nghiệm và phải xét nghiệm trên từng quy mô phù hợp. 

Bộ Y tế đã có hướng dẫn khu vực nào cần xét nghiệm toàn dân, khu vực nào chỉ xét nghiệm những đối tượng nguy cơ. “Không riêng TP.HCM mà các địa phương phải tăng cường xét nghiệm. Đây là mấu chốt quan trọng để kiểm soát dịch hay chậm”, người đứng đầu ngành Y tế nêu.

Khi xét nghiệm ra ca dương tính với SARS-CoV-2, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh, nguồn lây ra khỏi cộng đồng, có làm như thế thì mới có thể nhanh chóng chặn nguồn lây tại đây.

Bộ Y tế cũng đề nghị TP.HCM tăng cường tầm soát tất cả những người đến các cơ sở y tế, bao gồm cả những bệnh nhân và những người có yếu tố nguy cơ.

Các địa phương khác cũng cần thực hiện như vậy và không nên ngần ngại thực hiện giãn cách theo từng quy mô phù hợp với tình hình dịch. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện phong toả, nhưng phải thật nghiêm. 

Với tốc độ tiêm vắc-xin còn khám chậm chạp tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, khâu chuẩn bị và kịch bản cho công tác tiêm chủng có những trục trặc ban đầu.

Tuy vậy, sau vài ngày TP.HCM cũng đã có những thay đổi trong cách thức thực hiện, thay đổi về quy trình, tổ chức điểm tiêm, hy vọng những ngày tới, TP.HCM sẽ đảm bảo tốc độ tiêm theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đã có khuyến cáo TP.HCM phải chia nhỏ các điểm tiêm, phải tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm như vậy làm tăng nguy cơ lây nhiễm tại điểm tiêm đó.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương khác khi tổ chức chiến dịch phải chia khung giờ để tiêm, đồng thời phải chia nhỏ điểm tiêm để đảm bảo giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để tránh lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực này.

Với nguy cơ dịch tại khu chợ dân sinh, chợ đầu mối theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chợ đầu mối là điểm giao thương, mua bán, nơi người dân đến mua sắm rất nhiều. Trong đó, nhiều khu chợ ghi nhận số ca nhiễm nhiều như chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chợ Bình Điền, chợ Sơn Kỳ, chợ Kim Biên...

"Nếu tình hình xảy ra các địa điểm có nguy cơ cao như Hóc Môn, tôi đề xuất Ban Chỉ đạo TP thà hy sinh thời gian ngắn từ 5-7 ngày để chặn nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 còn hơn là để các chợ đầu mối tiếp tục lây nhiễm", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 25/6, hàng loạt khu chợ, trong đó có chợ đầu mối trở thành cụm dịch lây nhiễm SARS-CoV-2 lớn. Trong chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn được phát hiện ngày 12/6. Ca dương tính là tiểu thương bán trái cây tại ki-ốt một đầu chợ, từ đó phát hiện thêm 13 tiểu thương, 1 bốc xếp, 1 giao hàng, 1 mua hàng và 5 người nhà.

Ngoài ra, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM đề nghị Sở Y tế TP.HCM cần tăng cường quản lý, truy vết những trường hợp đến mua thuốc, có biểu hiện bệnh hô hấp tại các nhà thuốc.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP cần có phương án giải tỏa áp lực khu cách ly tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Hiện tại, khu cách ly này có tình trạng quá tải, lực lượng nhân viên y tế những ngày qua có khối lượng công việc khá lớn, nhiều người có biểu hiện kiệt sức.

"Sáng ngày 25/6, Bộ Y tế đã có văn bản cho thí điểm cách ly tại nhà đồng thời khuyến cáo TP.HCM nếu trường hợp nào có đủ điều kiện thì nên tính toán phương án cách ly F1 tại nhà để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 19 giờ ngày 25/6 đến 6 giờ ngày 26/6, Việt Nam có 15 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có hai ca nhập cảnh. Ngoài ra, tối 25/6, TP Hồ Chí Minh đã đăng ký bổ sung mã bệnh nhân cho 563 ca bệnh.
13 ca mắc trong nước bao gồm năm tại Bắc Giang, một tại Thái Bình, năm tại Tây Ninh và hai tại Long An. Trong số này, có năm ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.
Tin liên quan
Tin khác