Báo cáo mới đây của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Metro số 2) Bến Thành – Tham Lương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án đã có sự chuyển động tích cực đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu…
Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2020 chưa đạt theo yêu cầu.
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức họp lấy ý kiến người dân tại quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú (khu vực có hộ dân bị ảnh hưởng) gặp nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc việc tổ chức họp lấy ý kiến người dân gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa) |
Đồng thời, vẫn còn tồn tại những khó khăn từ trước đó như UBND quận 3 đã thực hiện các thủ tục, ban hành một số quyết định thu hồi đất và chi trả bồi thường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người dân, cần phải thống nhất và rà soát lại chính sách, giá bồi thường đã ban hành bằng các quyết định mới. Do đó, tiến độ thực hiện trên địa bàn quận 3 chậm hơn dự kiến.
Chưa kể, việc hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng cho các công trình nằm trong hành lang an toàn của tuyến Metro số 2 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên do bởi các quy định vẫn chưa rõ ràng và trách nhiệm liên quan đến nhiều cơ quan. Theo đó, tiến độ công việc bị chậm hơn so với dự kiến.
Hiện nay, Ban quản lý đang lập kế hoạch để triển khai các công việc tiếp theo như thỏa thuận với các đơn vị liên quan, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, triển khai các thủ tục liên quan để tái huy động Tư vấn thực hiện dự án, lập và trình duyệt tổng dự toán và dự toán các gói thầu theo quy định của pháp luật.
Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành – Tham Lương (Metro số 2) có khoảng 9,2 km đi ngầm; 2 km tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot. Công trình bao gồm 09 ga ngầm, 01 ga trên cao và 01 depot; chạy qua các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Nguồn vốn đầu tư của dự án là vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố.
Thời gian hoàn thành dự án theo phương án được duyệt là năm 2018 và đã được Thủ tướng Chính phủ gia hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện tại, dự án đã điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2026.