Vĩnh Phúc trải thảm đỏ mời gọi đầu tư bằng môi trường “3 tốt”
Tại một hội thảo giới thiệu tiềm năng đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc cho các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, với số lượng doanh nghiệp rất đa dạng, phong phú cả trong nước và nước ngoài, Vĩnh Phúc những năm qua đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp rất thuận lợi, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ châu Âu và châu Mỹ vốn có công nghệ cao, công nghệ nguồn và muốn tận dụng các doanh nghiệp sẵn có làm đối tác cung cấp, hỗ trợ hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Các chuyên gia kiểm tra sản phẩm tại Nhà máy Toyota Việt Nam (KCN Phúc Yên). Ảnh: KL |
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững, Vĩnh Phúc đã lựa chọn đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới Niken Sekei Civil Engineering (Nhật Bản) lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị làm công cụ quan trọng trong quản lý và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư; tiến hành quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch ngành, lĩnh vực; Tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.897,23 ha, có vị trí nằm dọc các trục quốc lộ thuận lợi về giao thông, trong đó 18 khu công nghiệp có diện tích trên 5.200 ha và 32 cụm công nghiệp diện tích trên 600 ha.
Tỉnh cũng luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư vào tỉnh. Các thiết chế pháp lý, chi phí thời gian và tính năng động của chính quyền địa phương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong Vùng Thủ đô.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc. Đến nay tỉnh đã thu hút được 752 dự án đầu tư trong nước với số vốn trên 78 nghìn tỷ đồng và 378 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 17 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 5 tỷ USD, thể hiện sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đối với môi trường và cơ hội đầu tư ở Vĩnh Phúc.
Là địa phương nằm trong Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông; có vị trí liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh, vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc, rất thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, cấu tạo địa chất tốt, tạo cho tỉnh những cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng.
Tuy nhiên, “bí quyết” để thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc nằm ở chủ trương tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, dựa trên quan điểm nhất quán: Doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển; thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; nhà đầu tư vào tỉnh là công dân của tỉnh.
Môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc còn được đánh giá cao nhờ tính minh bạch, lành mạnh và công bằng. Một trong những điểm nổi bật của tỉnh là trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào Vĩnh Phúc.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện; Hạ tầng kỹ thuật tốt và Phục vụ doanh nghiệp tốt.
Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư chung theo quy định của Nhà nước, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh, các thủ tục hành chính về đầu tư được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông với thời gian giảm từ 1/3 đến một nửa so với quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật rất cơ bản về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, các khu nhà ở công nhân…; có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp và các khu đô thị, khu dịch vụ tập trung quy mô lớn. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những điều kiện tốt hơn, thuận tiện hơn, giảm chi phí nhiều hơn khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư gần 3.300 tỷ đồng làm cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1768/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức BOT.
Dự án này sẽ đầu tư xây dựng mới đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tổng chiều dài khoảng 40,2 km (địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km; địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km) với điểm đầu - Km 0+00 (Quốc lộ 2 - Km 127+500) thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối - Km 40+200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2. |
Tuyến đường được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, vận tốc 80 km/h này sẽ đi song song về bên phải tuyến Quốc lộ 2 hiện hữu.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.271,09 tỷ đồng, trong đó phần vốn ngân sách trung ương dự kiến 500 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); vốn ngân sách địa phương là 10,79 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và vay tín dụng là 2.760,3 tỷ đồng.
Để hoàn vốn, Thủ tướng cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn phần vốn với thời gian dự kiến thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn là 19 năm 2 tháng (từ năm 2023 đến năm 2042). Thời gian chính thức sẽ được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, từ năm 2019 - 2023, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng mới đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (bao gồm cả cầu Đoan Hùng và đường dẫn hai đầu cầu), tổng chiều dài 40,2km.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2.
Dự án cũng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ nói riêng và khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung; đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải của cả nước.
Doanh nghiệp Singapore tìm hiểu về Dự án cảng hàng không tỉnh Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa làm việc với Tập đoàn CPG Consultants PTE Ltd (Singapore) về Dự án cảng hàng không tỉnh Quảng Trị, giới thiệu và thảo luận cơ hội hợp tác, xúc tiến phát triển dự án.
Sau khi nghe đoàn giới thiệu tổng quan về CPG và các hoạt động liên quan đến tư vấn, phát triển hàng không tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính hoan nghênh chuyến thăm, làm việc của đoàn, đồng thời cung cấp một số thông tin liên quan đến quá trình hoàn thành các thủ tục pháp lí về quy hoạch, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, phát triển dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
UBND tỉnh Quảng Trị vừa làm việc với Tập đoàn CPG Consultants PTE Ltd (Singapore). |
Thông qua các kinh nghiệm, mối liên hệ của CPG trên lĩnh vực hàng không quốc tế, ông Chính đề nghị CPG hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong quá trình kêu gọi, xúc tiến đầu tư dự án và giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tiếp tục làm đầu mối, khâu nối với CPG trong các công việc có liên quan.
Thay mặt tập đoàn CPG, bà Jeannie Chew, Phó Chủ tịch Tập đoàn trân trọng cảm ơn tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ đoàn trong quá trình đến thăm, làm việc tại địa hương và cho rằng dự án Cảng hàng không Quảng Trị là một dự án rất có tiềm năng phát triển trong tương lai không xa. Tập đoàn CPG cam kết hỗ trợ tỉnh khâu nối, tiếp cận với các nhà đầu tư chiến lược để nghiên cứu, đầu tư thực hiện dự án trong thời gian tới theo đề nghị của tỉnh.
CPG là một trong những tập đoàn lớn của Singapore chuyên triển khai các dự án về quy hoạch, thiết kế, giám sát và quản lí các dự án cảng hàng không, trong đó một số đồ án cảng hàng không lớn như: Changi Singapore (terminal 1, 2, 3), Vũ Hán, Zhang Jia Jie, Thượng Hải (Trung Quốc), Benazir Bhutto (Pakistan), rà soát quy hoạch và thiết kế terminal 3 - sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc), Doha mới (Qatar), Ahmedabad (Ấn Độ).... Tại Việt Nam, CPG đã triển khai thành công một số đồ án như: Sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, Ban Mê Thuật và gần đây nhất là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, thông qua sự hỗ trợ của Sở Giao thông Vận tải và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Tập đoàn CPG đã đi khảo sát thực địa vị trí quy hoạch dự án Cảng hàng không Quảng Trị tại Khu công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh).
Cần tạo quỹ đất phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa IX vào ngày 8/12, các đại biểu đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong năm 2019, nhất là có nhiều doanh nghiệp mới thành lập. Song, nhiều đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới thành lập hoạt động hiệu quả, Thành phố cần tạo điều kiện về vốn đầu tư cũng như tạo quỹ đất phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bước vào phiên thảo luận, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy phân tích, theo đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế Thành phố trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2019 có sự tăng trưởng bền vững.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho rằng, Thành phố cần rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới sản xuất kinh doanh. (ảnh: Trọng Tín) |
Tuy nhiên, hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng nếu đánh giá vào sự tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, chế tạo điện tử, cao su - hóa chất - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm đang có tăng trưởng chậm so với cùng kỳ.
Do đó, cần đánh giá lại xem đâu là ngành công nghiệp Thành phố thực sự tập trung trong thời gian tới, có cần phải điều chỉnh lại các ngành công nghiệp hay không và cần phát huy danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực.
“Chẳng hạn như ngành da giày không mãi chỉ cung cấp các loại nguyên liệu mà phải tiến tới ngành công nghiệp thời trang, hay ngành chế biến lương thực, thực phẩm, Thành phố phải trở thành trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm chất lượng cao cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phải hướng đến mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu đóng góp vào doanh thu từ ngành này”, bà Thúy nói.
Còn đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cũng cho rằng, một tín hiệu tốt của kinh tế Thành phố thời gian qua là ngành dịch vụ.
Cụ thể, năm 2019, ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 60,42%; trong đó có 3 lĩnh vực đang có ưu thế là khoa học - công nghệ, y tế, ăn uống và du lịch…
Vì vậy, bà Thúy khuyến nghị khi tín hiệu thị trường đã có, Thành phố cần tập trung đầu tư một cách thích đáng hơn cho các ngành dịch vụ. Trong đó, cần tập trung đầu tư quỹ đất cho dịch vụ; cần rà soát lại giá trị sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ lực, tập trung vào một số ngành dịch vụ, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng theo bà Thúy, việc thành lập doanh nghiệp mới năm nay không đạt chỉ tiêu không phải là vấn đề quá quan trọng mà phải tạo ra phong trào để doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh dạn, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp có thực chất.
“Thành phố cần học tập mô hình khu công nghiệp thông minh mà hiện nay trên thế giới đang áp dụng với cơ sở hạ tầng, nhà xưởng có sẵn để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn đăng ký thành lập doanh nghiệp trong sản xuất công nghiệp giúp họ lớn mạnh dần”, bà Thúy kiến nghị.
Phát biểu giải trình làm rõ các nội dung các đại biểu đặt ra liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, về số lượng doanh nghiệp thành lập năm 2019 theo dự kiến 46.200 doanh nghiệp nhưng chỉ đạt hơn 44.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập năm 2019 từ hai nguồn là tự nhiên và từ hộ kinh doanh chuyển sang.
Đồng thời, số doanh nghiệp giải thể năm 2019 giảm hơn so với 2018. Bình quân về số vốn doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay cũng tăng trưởng liên tục như: Năm 2016, số vốn điều lệ mới thành lập bình quân của doanh nghiệp là 8 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 là trên 16 tỷ đồng/doanh nghiệp thành lập mới.
Trong năm 2019 số doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng đạt con số hơn 715 doanh nghiệp và số vốn điều lệ hơn 400.000 tỷ đồng chiếm 70% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn.
Để cho các ngành đóng góp nhiều cho GRDP, bà Mai cho biết, Thành phố sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thêm vốn kinh doanh, lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả.
Thành phố cần rà soát quỹ đất để phục vụ cho doanh nghiệp thành lập mới sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Thành phố có 17 Khu công nghiệp - Khu chế xuất khoảng 4.000 ha, dự kiến 5 năm tới có 23 Khu công nghiệp - Khu chế xuất với khoảng 6.000 ha.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh, củng cố 10 chỉ số liên quan năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ doanh nghiệp phát triển.
TP.HCM muốn vay lại 29.885,25 tỷ đồng của Chính phủ để làm Metro số 2
UBND TP.HCM có tờ trình gửi HĐND TP về việc muốn vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoản vay 962,61 triệu USD và 300,72 triệu EUR, tương đương 29,885, 25 tỷ đồng hoặc 1.305,43 triệu USD để đầu tư dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Metro số 2) TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương.
Cụ thể, tờ trình số 5024/TTr-UBND gửi HĐND nêu rõ ngày 14/11/2019 UBND TP đã ban hành Quyết định số 4880/QĐ-UBND về duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điệm ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương. Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 47.890,84 tỷ đồng, tương đương 2.093,59 triệu USD.
Tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. |
Trong đó, vốn vay ODA là 37.486,97 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.638,01 triệu USD. Vốn đối ứng là 10.403,87 tỷ đồng tương đương 455,58 triệu USD.
Trong đó, ngân sách Trung ương cấp phát vốn vay nước ngoài cho Ngân sách TP.HCM để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt và chi khác. Ngân sách TP.HCM vay lại từ phần vốn vay nước ngoài để chi trả cho hạng mục liên quan đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải (bao gồm đầu máy toa xe; chi phí mua sắm, lắp đặt và dự phòng thiết bị tại nhà ga như hệ thống thiết bị bán vé, kiếm soát vé, toàn bộ chi phí trang thiếp bị trong depot thuộc công nghiệ sửa chữa, chuẩn bị các đoàn tàu đô thị, chi phí đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, sửa chữa)…
Để thực thiện việc xác định giá trị cho vay lại. UBND TP cho biết trong tờ trình gửi HĐND TP với nội dung căn cứ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ ngành về cơ chế tài chính của dự án như trên, giá trị cấp phát và vay lại được đề xuất căn cứ theo số liệu đã giải ngân thực tế đến thời điểm hiện nay và kế hoạch giải ngân dự kiến của từng hạng mục trong dự án đến ngày đóng các Hiệp định vay đã ký. Phần vốn hủy sau khi đóng các Hiệp định vay đã ký sẽ được nhà tài trợ cân đối các khoản vay bổ sung. Do vậy, phần vốn bổ sung được đề xuất vay lại toàn bộ.
Cụ thể, đối với các hiện định vay đã ký. Khoản vay 1 của ADB, khoản vay đã đóng và toàn bộ hạng mục đã giải ngân sử dụng cho hạng mục tư vấn, xây lắp và tài chính, do vậy khoản vay đã giải ngân được áp dụng cơ chế cấp phát.
Khoản vay 2 của ADB và khoản vay của EIB, khoản vay sẽ đóng vào tháng 12 năm 2020. Dự kiến từ nay đến năm 2020, các khoản vay sẽ được chỉ cho các hạng mục xây lắp, do vậy các khoản vay được áp dụng cơ chế cấp phát.
Khoản vay 1 và 2 của KFW, hiện hai khoản vay đã được gia hạn dến năm 2020 và dự kiến đã được gia hạn tiếp tục đến khi hoàn thành dự án. Do vậy, hai khoản vay được đề xuất áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát một phần, một phần cho vay lại đối với các hạng mục đã được Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn.Thời gian dự kiến giải ngân vay lại từ năm 2021.
Đối với các khoản vay bồ sung, áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ và dự kiến sẽ bắt đầu sử dụng từ năm 2021 đến khi hoàn thành dự án.
Bao gồm khoản vay bổ sung của ADB. Nhà tài trợ cam kết bổ sung vốn theo biên bản ghi nhớ (MOU) của đoàn chương trình quốc gia Ngân hàng ADB về tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020-2022, tổng giá trị tài trợ bổ sung lên tới 1 tỷ USD. Dự kiến áp dụng các điều kiện vay của khoản vay 2 đã ký cho khoản vay bổ sung.
Khoản vay bổ sung của KFW. Nhà tài trợ đã có thư Fax ngày 2/4/2019 gửi UBND TP thao báo cam kết bố trí 300 triệu EUR cho dự án.
Chính vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh tăng vốn mức đầu tư của dự án , cơ chế tài chính trong nước của dự án được thực hiện theo Công văn số 2152/VPCP-KTTH ngày 3/4/2012 của Văn phòng Chính phủ; trên cơ sở số liệu chi tiết cho từng hạng mục gói thầu, tỷ giá và giá trị quy đổi tương đương được thể hiện trong Hồ sơ trình điều chỉnh dự án và Báo cáo thẩm định nội bộ của Ban quản lý Đường đắc đô thị, giá trị phần vốn cấp phát và vay lại của dự án được xác định.
Vốn cấp phát 332,57 triệu USD tương đương 7.601,72 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng ADB từ khoản vay 1 và 2 đã ký là 120,93 triệu USD tương đường 2.752,15 tỷ đồng. Ngân hàng EIB là 30,95 triệu USD tương đương 708,63 tỷ đồng hoặc 27,15 triệu EUR. Ngân hàng KFW 180,69 triệu USD tương đương 4.140,94 tỷ đồng hoặc 158,50 triệu EUR.
Vốn vay lại là 962,61 triệu USD và 300,72 triệu EUR, tương đương 29.885,25 tỷ đồng hoặc 1.305,43 triệu USD.
Trong đó khoản vay bổ sung từ Ngân hàng ADB là 962,61 triệu EUR, tương đương 7.848,19 tỷ đồng hoặc 342,82 triệu USD. Trong đó khoản vay 1 và 2 đã ký 82,25 triệu EUR, tương đương 2.146,63 tỷ đồng hoặc 93,77 triệu USD. Khoản vay bổ sung 218,47 triệu EUR, tương đương 5.701,56 tỷ đồng hoặc 249,05 triệu USD.
Đối với hạn mức và khả năng trả nợ của ngân sách TP. Hạn mức dư nợ vay năm 2020 theo dự thảo phương án bội chi và vay, trả nợ của ngân sách địa phương năm 2020 do Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt cho từng địa phương, dự kiến hạn mức dư nợ vay mức vay của ngân sách TP.HCM năm 2020 là mức dư nợ vay tối đa của ngân sách TP là 67.939,164 tỷ đồng. Tổng mức vay của TP là 14.190,9 tỷ đồng (đã bao gồm vốn vay của dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên).
Dự kiến, mức dư nợ của ngân sách TP đến thời điểm ngày 31/12/2020 là 31.155,079 tỷ đồng, mức dư nợ trên đảm bảo trong thời hạn cho phép của Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc Hội.
Chính vì vậy UBND TP.HCM trình HĐND TP chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 của TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Cụ thể,phương án vay lại là UBND TP vay lại 962,61 triệu USD và 300,72 triệu EUR tương đương 29.885,25 tỷ đồng (bao gồm vốn vay lại theo đúng hạng mực đã được xác định trong tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 4474/QĐ-UBND ngày 11/10/2010, Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 31/5/2013 và vay lại 100% vốn ODA bổ sung trong tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 4880/QĐ-UBND ngày 14/11/2019 của UBND TP).
Nguồn trả nợ UBND TP bố trí ngân sách TP hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Giao UBND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp để thực hiện thủ tục vay và tổ chức triển khai vau vốn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
UBND TP sẽ tổng hợp tình hình vay, trả nợ của dự án vào kế hoạch vay trả nợ của TP hằng năm, trình HĐND TP xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ.
Điều chỉnh giảm 3.240 tỷ đồng vốn của các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020; giao, điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 (đợt 5).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019. Cụ thể, điều chỉnh giảm 3.240 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các dự án được giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh tăng 2.528,6 tỷ đồng cho các dự án trong nội bộ của bộ, ngành và địa phương.
Điều chỉnh tăng 321,53 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nước giai đoạn 2016-2020 cho nhiệm vụ quy hoạch ngành quốc gia và các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và tỉnh Khánh Hòa.
Điều chỉnh tăng/giảm 971,56 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho các dự án từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% vốn nước ngoài tại bộ, ngành, địa phương; điều chỉnh tăng/giảm 519,4 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ của các bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao 2.191 tỷ đồng kế hoạch đầu tư và danh mục dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương năm 2019 cho Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ danh mục các dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 được giao, quyết định giao cho Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 của từng dự án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019; định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
TP.HCM kiến nghị vay lại 23.931,9 tỷ đồng để làm Metro số 1
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa ký quyết định số 5025/TTr-UBND gửi Hội đồng nhân dân TP.HCM với nội dung vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro số 1) TP.HCM Bến Thành - Suối Tiên.
Cụ thể, văn bản báo cáo HĐND TP nêu rõ, ngày 13/11/2019, UBND TP đã ban hành Quyết định số 4856/QĐ-UBND về duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 43.757,15 tỷ đồng.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. |
Về việc xác định vay lại. Căn cứ Báo cáo số 7696/BC-BKHĐT ngày 18/10/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kết quản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kết luận.
“Dự án có cơ sở thu xếp đủ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện theo tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến thể hiện qua 3 Hiện định vay đã ký cũng như ý kiến của phía Nhật Bản về khả năng cung cấp vốn bổ sung”.
Căn cứ Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, tại Khoản 1 điều 6 đồng tiền cho vay lại và thu nợ cho vay lại: “Đồng tiền cho vay lại là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài”.
Căn cứ Công văn số 9227/BTC-QLN ngày 12/8/2019 của Bộ Tài chính và Công văn số 7710/VPCP-QHQT ngày 28/8/2019 của Văn phòng Chính phủ về xác định trị giá cho vay lại dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM vay vốn JICA. Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý nguyên tắc, cách thức xác định mức vay lại, giá trị vốn cấp phát, cho vay lại theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Vốn cấp phát là 70,836 tỷ Yên tương ứng với 67,5% tổng giám trị vốn vay thuộc tổng mức đầu tư ban đầu theo Quyết định 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 của UBND TP.
Vốn vay lại bao gồm phần vay lại 34,106 tỷ Yên tương ứng với 32,5% tổng giá trị vốn vay thuộc tổng mức đầu tư ban đầu theo Quyết định 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 của UBND TP và phần vốn vay nước ngoài tăng thêm thuộc tổng mức tăng thêm.
Căn cứ Tờ trình số 2452/TTr-BQLĐSĐT ngày 12/11/2019 của Ban quản lý Đường sắt đô thị và Báo cáo kết quả thẩm định số 5642/BCTĐ-SGTVT-HĐTĐ ngày 12/11/2019 của Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án được lập theo Quyết định số 2162/QĐ-UBND ngày 22/5/2019 của UBND TP.HCM về việc điều chỉnh dư án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, Hội động thẩm định điều chỉnh dự án báo cáo UBND TP giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án báo cáo UBND TP giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh là 43.757,15 tỷ đồng, tương đương khoảng 211,661 tỷ Yên.
Trong đó, vốn vay ODA là 38.265,55 tỷ đồng, tương đương khoảng 185,176 tỷ Yên. Vốn đối ứng là 5.491,6 tỷ đồng. Như vậy, căn cứ theo nguyên tắc của Bộ Tài chính, sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư, giá trị vốn cấp phát và cho vay lại của dự án như sau:
Vốn cấp phát là 70,836 tỷ Yên. Vốn vay lại là 114,34 tỷ Yên, bao gồm phần vay lại là 34,106 tỷ Yên (tương đương 32,5% tổng giá trị vốn vay thuộc tổng mức đầu tư ban đầu theo Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 của UBND TP) và phần vốn vay nước ngoài thêm theo tổng mức đầu tư điều chỉnh là 80,234 tỷ Yên (185,176 tỷ Yên - 70,836 tỷ Yên-34,106 tỷ Yên).
Theo báo cáo điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, giá trị phân bổ vốn vay ODDA vay lại là 114,34 tỷ Yên, tương đương 23.931,9 tỷ đồng. Giá trị vốn vay lại được tính trên toàn bộ tổng vốn vay ODDA và các Hiệp đinh vay, không phân ra phần vay lại theo tổng mức đầu tư ban đầu và phần vay lại theo tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Về tình hình ký kết các Hiệp định vay, UBND TP cho biết đến nay. Dự án đã ký 3 Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản và dự kiến ký Hiệp định vay thứ tư trong năm 2020.
Cụ thể, Hiệp định vay VNXIV-3: Khoản vay có hạn mức tín dụng là 18.008 triệu Yên, thực hiện cấp phát toàn bộ.
Hiệp định vay VN11-P7: Khoản vay có hạn mức tín dụng 44.302 triệu Yên, trong đó vay lại là 7.358 triệu Yên và cấp phát lại 36.944 triệu Yên. Bộ Tài chính và UBND TP chưa ký Hợp đồng vay lại đối với Hiệp định vay này.
Hiệp định vay thứ 4 dự kiến khoản vay có hạn mức tín dụng 32.691 triệu Yên, thực hiện vay lại toàn bộ.
Trong đó hạn mức vay nợ năm 2020. Theo dự thảo phương án bội chi và vay, trả nợ của ngân sách địa phương năm 2020 do Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt cho từng địa phương, dự kiến hạn mức dư nợ và mức vay của ngân sách TP.HCM trong năm 2020 là.
Mức nợ vay tối đa của ngân sách TP là 67.939,164 tỷ đồng. Tổng mức vay của TP.HCM là 14.190,9 tỷ đồng (đã bao gồm vốn vay của dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên).
Dự kiến mức dư nợ của ngân sách TP đến thời điểm 31/12/2020 là 31.155,079 tỷ đồng, mức dự nợ trên đảm bảo trong giới hạn cho phép của Nghị định số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội…
Chính vì vậy, văn bản này UBND TP đã kiến nghị thực hiện quy trình thẩm định cho vay lại theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về việc cho vay lại vốn ODA, vay ưu đã nước ngoài của Chính Phủ. Để chuẩn bị hồ sơ gửi Bộ Tài chính thẩm định cho vay lại, UBND TP trình HĐND TP.
Thứ nhất, chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bén Thành - Suối Tiên.
Phương án vay lại là UBND TP vay lại 114,34 tỷ Yên, tương đương 23,931,9 tỷ đồng, bao gồm phần vay lại tương ứng với 32,5% tổng giá trị vốn vay thuộc tổng mức đầu tư ban đầu theo Quyết định 1453/QĐ-UBND ngà 6/4/2017 của UBND TP và phần vốn vay nước ngoài tăng thêm theo tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Nguồn vốn trả nợ UBND TP bố trí ngân sách TP hoặc các nguồn vốn hợp pháo khác theo quy định trả nợ đầu đủ, đúng hạn.
Thứ hai, giao UBND TP thực hiện thủ tục vay và tổ chức triển khai vay vốn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
UBND TP sẽ tổng hợp tình hình vay, trả nợ của dự án vào kế hoạch vay trả nợ của TP hằng năm, trình HĐND TP xem xét, phê duyệt cho quy định tại Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ.
Đề xuất bổ sung “đại” dự án điện gió 500MW HBRE Vũng Tàu vào quy hoạch điện lực quốc gia
Nếu việc bổ sung quy hoạch dự án điện gió 500MW HBRE Vũng Tàu sớm được thực hiện, thì đây là một trong số ít dự án điện gió có công suất và quy mô lớn được đầu tư ngoài khơi Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục vừa thừa lệnh của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký Văn bản số 10823/VPCP-CN về việc đề nghị bổ sung dự án điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Văn bản gửi Bộ Công thương, Ủy ban nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Văn bản này dựa trên văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu số 11853/UBND-VP ngày 15/11/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị bổ sung dự án điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu, công suất 500MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
“Qua đó, thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu trên đến Bộ Công thương để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”- Văn bản từ Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.
Để có cơ sở triển khai dự án điện gió công suất 500 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD này, trước đó, Tập đoàn HBRE đã được Chính phủ cho phép lắp đặt trạm đo gió ngoài khơi cách đất liền khoảng 20 hải lý. Theo Chủ tịch Tập đoàn HBRE Hồ Tá Tín, công tác xây lắp trạm đo gió và lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án đang được triển khai song song. Đây là một trong số ít dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam.