Thời sự
TP.HCM công khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến ngày 15/9
Thị Hồng - 16/08/2021 15:33
TP.HCM sẽ đẩy mạnh tiêm cho người lao động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi nếu có nguồn vắc-xin phù hợp,...dựa trên minh bạch và tự nguyện.

Cuối giờ sáng 15/8, Chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản khẩn về kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng, chống Covid-19.

Trong đó, về vấn đề tiêm vắc-xin Covid-19, TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 15/9/2021 sẽ có hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1; 15% người dân được tiêm mũi 2. 

Đồng thời, hoàn thành tiêm mũi 1 cho 15% đối tượng công nhân còn lại ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2, tiến đến tiêm toàn bộ cho công nhân của các doanh nghiệp trên địa; bàn hoàn thành tiêm mũi 1 cho các đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền.

Có 3 giải pháp cơ bản thực hiện quá trình này. 

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động tại công viên phần mềm Quang Trung (Nguồn: QTSC).

Thứ nhất, giai đoạn từ ngày 15/8 đến 31/8 sẽ hoàn thành tiêm 3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1 (tương đương trên 10 triệu dân), hoàn thành mũi 2 cho khoảng một triệu người.

Theo đó, TP.HCM tập trung ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, công nhân của các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, người yếu thế và các đối tượng theo quy định.

Hình thức tiêm đa dạng, linh hoạt; ưu tiên tiêm mũi 2 cho công nhân trong các đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo hộ y tế, vệ sinh môi trường; xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin đối với từng khu vực, vùng nguy cơ.

Ngoài ra, Thành phố sẽ tăng cường điều phối cung ứng vắc-xin và lực lượng đội tiêm cho các quận, huyện có tỷ lệ bao phủ vắc-xin còn thấp. 

Số lượng dân tại các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức so với tổng số dân đã tiêm vắc-xin từ ngày 27/4 đến ngày 15/8.

Các điểm tiêm cố định, triển khai đội tiêm, xe tiêm lưu động đến từng địa bàn đặc biệt là trong khu vực phong tỏa sẽ được bổ sung. 

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được yêu cầu đảm bảo công tác chuyên môn và giãn cách để cơ quan chức năng tổ chức các điểm tiêm cho người lao động của mình.

Ngoài ra, quá trình tiêm giai đoạn này sẽ đảm bảo cho những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng (người mắc bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai trên 13 tuần,..) được tiếp cận vắc-xin đầy đủ.

Thứ hai là giai đoạn từ ngày 1/9 đến ngày 15/9, TP.HCM tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người còn lại và tiêm nhắc lại mũi 2 theo quy định (khoảng 400.000 người); có thể mở rộng cho tiêm người từ 12 đến 18 tuổi nếu có nguồn vắc-xin cho phép tiêm trong độ tuổi này.

Thứ ba, Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập đến việc truyền thông trong quá trình tiêm chủng vắc-xin sẽ dựa trên hai trụ cột là minh bạch và tự nguyện; công khai kết quả tiêm chủng hàng ngày, số lượng vắc-xin Thành phố đang quản lý để người dân tin tưởng và giám sát. 

Tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại TP.HCM từ ngày 18/7 đến ngày 15/8.

Tính đến ngày 12/8, Việt Nam nhận được hơn 20,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ nhiều nguồn; trong đó Covax hỗ trợ gần 9,2 triệu liều, đặt mua qua VNVC hơn 5 triệu liều, hơn 3,7 triệu liều được tặng và đặt mua 1,2 triệu liều Pfizer và 1 triệu liều Sinopharm.

Trong khi đó, tính đến tháng 6/2022 (thời điểm ước tính kết thúc chiến dịch tiêm chủng), Việt Nam cần 170 triệu liều nhằm tiêm chủng cho người dân trên diện rộng, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, trong tháng 8 và tháng 9/2021 sẽ có hơn 12 triệu liều vắc-xin từ các nguồn về Việt Nam (dự kiến bao gồm trên 10 triệu liều AstraZeneca, trên 2 triệu liều Pfizer).

Hôm 15/8, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer, với các điều kiện như nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3/8/2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc- xin.

Với 2 thỏa thuận với nhà sản xuất, Bộ Y tế cho biết sẽ mua được tổng cộng gần 51 triệu liều vắc xin Pfizer; trong đó quý III/2021, vắc-xin sẽ về hằng tuần.
Tin liên quan
Tin khác