Y tế - Sức khỏe
TP.HCM: Công ty Nidec Sankyo phải ngừng hoạt động vì có nhiều ca nhiễm Covid-19
Thị Hồng - 04/07/2021 17:14
Với 119 ca nhiễm và nghi nhiễm, hơn 1.000 trường hợp F1 khiến Công ty TNHH Nidec Sankyo ở khu công nghệ cao, Thành phố Thủ Đức với trên 3.000 công nhân phải tạm dừng hoạt động.

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã có thông báo dừng hoạt động đối với Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam từ 17 giờ ngày 3/7 đến hết ngày 5/7 để đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19 và an toàn sản xuất. 

Các bộ phận hành chính và đoàn thiết thiết yếu của công ty được phép hoạt động nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

SHTP yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam phải rà soát, kiểm tra đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất và có đầy đủ các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và trình Ban quản lý SHTP thẩm định, phê duyệt. 

Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho hơn 3.000 công nhân công ty Nidec Sankyo tại khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức (Nguồn: HCDC).

Công ty này chỉ được tổ chức hoạt động trở lại khi có hồ sơ đề nghị hoạt động trở lại trình Ban quản lý SHTP.

Hồ sơ này gồm văn bản đề nghị của doanh nghiệp; phương án hoạt động gắn với an toàn phòng, chống dịch như danh sách người lao động, phương án xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động, phương án bố trí nơi lưu trú cho người lao động, khu vực cách ly tập trung của công ty trong nhà máy, phương án đưa/ đón người lao động từ nơi lưu trú về nơi tập trung của doanh nghiệp trước khi tổ chức sản xuất,…

Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam tại lô I1-N1, khu công nghệ cao, phường Tân Phú, Thành phố Thủ Đức có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 28/6 khi công nhân của doanh nghiệp này đến khám bệnh tại Bệnh viên Quân dân y miền Đông.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Nidec Sankyo Việt Nam đã tạm ngưng hoạt động, phối hợp cùng cơ quan chức năng và nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 4.000 công nhân.

Nidec Sankyo Việt Nam thành lập từ năm 2005, với ngành kinh doanh chính là sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học (sản xuất các linh kiện đầu gắp quang học).

Sáng 4/7, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về giải pháp thay đổi quy trình xét nghiệm và mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Y tế, BS Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua, công tác xét nghiệm, vận chuyển mẫu và trả kết quả xét nghiệm có nhiều vấn đề phải cần chấn chỉnh.

Vì vậy, Sở đề xuất 2 quy trình giám sát, gồm Quy trình Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và Quy trình tổ chức điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19. 

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khu vực liên quan ca nhiễm (Nguồn: Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức).

Về sơ đồ tổ chức xét nghiệm, Sở Y tế đề xuất Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chỉ đạo chung; Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam quản lý chung; Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Phan Thanh Tâm chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE, vật tư tiêu hao, điều phối mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm.

Các đơn vị hỗ trợ có nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng bao gồm các bệnh viện trên địa bàn.

Các Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu cộng đồng; lấy mẫu truy vết, tầm soát cộng đồng, mẫu khu cách ly; vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm, trong đó mẫu F1 trong vòng 2 giờ từ khi lấy mẫu, mẫu khác trong vòng 24 giờ từ khi lấy mẫu.

Các cơ sở xét nghiệm khẳng định Covid-19, có nhiệm vụ xét nghiệm cho quận huyện được phân công phụ trách và theo điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, trả kết quả.

Trong đó mẫu tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ từ khi lấy mẫu; mẫu F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi nhận mẫu; mẫu nghi nhiễm F1 trả kết quả trong 6-10 giờ kể từ khi nhận mẫu; mẫu F2, người cách ly trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.

Đối với mạng lưới giám sát điều tra dịch tễ truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19 được đề xuất phân làm 2 nhóm: nhóm phục vụ điều tra truy vết và nhóm tẩm soát mở rộng.

Hoạt động điều tra truy vết được thành lập với các đội chuyên nghiệp tại địa phương với sự hỗ trợ của các Sở Thông tin và Truyền thông và Công an Thành phố.

 

Kết luận tại cuộc họp, ông Ngô Minh Châu cho rằng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh, tập trung giám sát điều tra dịch tế truy vết các trường hợp liên quan ca nhiễm Covid-19.

Việc tổ chức lại các hoạt động phòng chống dịch bệnh cần theo phương châm: trật tự, an toàn, đúng diện, đúng điểm, thông suốt.

Việc xét nghiệm và truy vết, khoanh vùng cần được tổ chức lại khoa học, nhịp nhàng hơn; cần xác định phương châm thực hiện trật tự, huy động người dân theo hộ, theo tổ, cuốn chiếu.

Việc lấy mẫu xét nghiệm cần làm theo tổ dân phố kết hợp phân chia theo giờ hợp lý, đảm bảo giãn cách. Đội ngũ lấy mẫu phải chuyên nghiệp, kinh nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đầy đủ, mẫu lấy phải đạt kết quả.

Đồng thời, việc lấy mẫu phải đúng diện: khu vục phong tỏa, trọng điểm lấy toàn bộ người dân, tầm soát điện rộng 100%.

Ông Ngô Minh Châu cũng đề nghị công tác điều hành nhịp nhàng, nói đến việc thì có người làm, có người chịu trách nhiệm. Việc trả kết quả xét nghiệm phải đúng hẹn.

Bên cạnh đó, cách giao mẫu cũng cần thay đổi. Một ngày cần giao mẫu 3 lần, đảm bảo máy xét nghiệm chạy đều, phù hợp năng lực lấy mẫu xét nghiệm.

Thành phố sẽ thành lập Trung tâm điều hành xét nghiệm do 1 Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt.

Để đẩy nhanh tốc độ truy vết, mỗi quận huyện sẽ cần bổ sung thêm 10-30 nhân lực chuyên điều tra truy vết tùy theo tình hình dịch bệnh của từng quận huyện.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu nhấn mạnh, thời gian qua việc chấp hành thông điệp 5K ở một số nơi còn chưa nghiêm, vì vậy các địa phương cần tăng cường các biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời thời.

 

Tin liên quan
Tin khác