Cụ thể, với 100 ca nhiễm, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% ngày thường.
Nếu có dưới 300 trường hợp nhiễm bệnh, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ cung ứng hàng hóa vượt 50-100%.
Các đơn vị cung ứng thực phẩm liên quan đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, kể cả khi nhiều khu vực bị cách ly.
Kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2, phát huy kênh phân phối trực tuyến.
Cùng với đó, sẽ phải giảm, thậm chí ngừng xuất khẩu với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ phòng chống dịch, tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.
Với từng hệ thống phân phối, các siêu thị đều tăng cường nguồn hàng dự trữ gấp rưỡi đến gấp 3 lần so với đợt chưa công bố cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày (từ 0 giờ ngày 01/04) trên phạm vi toàn quốc.
Được biết, hệ thống siêu thị thuộc Liên hiệp hợp tác xã thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) đang dự trữ nguồn hàng tăng 40% so với ngày thường.
Ngoài ra, để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ khi nhân viên chưa kịp đưa hàng lên kệ khi nhu cầu mua sắm cao, bên cạnh việc cử nhân viên luân phiên túc trực để bổ sung hàng hóa kịp thời thì các siêu thị sẽ đẩy mạnh giao hàng tận nhà để tránh tụ tập đông người từ hơn 800 điểm bán hiện có.
Nhân viên siêu thị sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng (thực phẩm tươi sống; thực phẩm công nghệ thiết yếu; hóa phẩm).
Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn ...) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà.
Danh mục hàng hóa trong phiếu đặt hàng có thời gian sử dụng trong vòng 07 ngày từ ngày thứ 5 đến thứ 4 hàng tuần. Hạn cuối siêu thị nhận phiếu vào lúc 20h thứ 3 hàng tuần.
Các siêu thị trên địa bàn Tp.HCM đang chuẩn bị nguồn hàng hoá dồi dào cũng như đẩy mạnh giao hàng tại nhà. |
Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động.
Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng.
Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.
Trong trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.
Về việc bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).
Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.