Đất công viên bị “xẻ thịt”
Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX, tình trạng sử dụng đất công viên không đúng công năng, thậm chí là “xẻ thịt” để kinh doanh khiến nhiều đại biểu quan tâm.
Cổng dẫn vào Thảo Cầm Viên bị che bởi khu vui chơi giải trí. |
Một ví dụ điển hình, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là nơi người dân thường tìm đến để dạo mát và tập thể dục vào mỗi buổi sáng sớm, đồng thời cũng là chỗ để các bậc phụ huynh đưa con em mình đến tham quan, vui chơi vào mỗi kỳ nghỉ lễ hay những ngày cuối tuần. Nhưng hiện nay, nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào trong Thảo Cầm Viên thì chỉ thấy bảng hiệu của những dịch vụ kinh doanh, từ trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán cà phê. Còn bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các ki-ốt bán hàng cũng mọc lên chi chít.
Quán cà phê là hình ảnh phổ biến trong cá công viên ở TP.HCM. |
Tương tự, diện tích đất tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP.HCM) phần lớn được sử dụng cho thuê để làm nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên của Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Thỏ Trắng (Công ty Thỏ Trắng), chiếm diện tích lên tới hơn 10.000 m2 nằm phía mặt tiền đường Trường Sơn.
Còn tại Công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM), một phần đất bên trong được sử dụng làm bãi xe buýt, sân khấu ca nhạc, quán cà phê, trung tâm thương mại ngầm… Nổi bật nhất là Sân khấu Sen Hồng, kế bên là Quán cà phê GM nằm ngay phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Nghĩa, được khai thác triệt để tối đa hóa lợi nhuận. Ngay sau Sân khấu Sen Hồng là trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được tận dụng tối đa với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya.
Tình trạng cho thuê đất công viên để làm sân khấu, quán cà phê, sân bóng đã cũng diễn ra tại Công viên Tao Đàn (quận 1), Công viên Gia Định (quận Tân Bình)... Thậm chí, một phần diện tích ở đây bị cho thuê để xây dựng ki-ốt buôn bán và được sang nhượng nhiều lần.
Khó xử lý vì không có quy hoạch
Liên quan đến việc quản lý đất công viên trên địa bàn Thành phố, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 542,96 ha đất công viên, cây xanh. Trong đó, Sở này được UBND TP giao là cơ quan quản lý nhà nước khoảng 13 công viên, còn 317 công viên còn lại do các quận, huyện quản lý.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông - Vận tải đã trình UBND TP các đề án và có nói rõ các việc cần làm. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các công viên hiện nay, thì có ba nhóm giải pháp cần lưu ý như rà soát lại quy hoạch các công viên hiện nay.
Đơn cử Công viên 23/9, quy hoạch tổng thể cũng như là chi tiết đến nay chưa có, chưa có pháp lý nên vừa rồi phải làm lại. Tiếp đến là Công viên Tao Đàn, cũng phải làm lại vì tất cả các bản quy hoạch trước đây đã không còn phù hợp hoặc tính pháp lý không còn. Trên cơ sở đó mới có cơ sở để quản lý lâu dài công trình nào phù hợp, công trình nào không.
Bên cạnh đó, rà soát lại một số công trình nằm trên công viên đã hết hạn, không đổi công năng thì phải kiên quyết thu hồi, lấy lại mặt bằng để trả lại cho công viên. Đặc biệt, trụ sở, cơ quan hay nhà dân chiếm dụng mặt bằng công viên phải có đề án để di dời.
Tiếp đến là giải quyết những công viên thuộc quyền tự quản lý, cần phải làm lại bởi hiện nay, quản lý nhà nước dựa trên Quyết định 199 của UBND TP ban hành ngày 18/8/2014 đến nay đã không phù hợp. Cần phải trình Sở Tư pháp để ban hành quyết định mới sao cho phù hợp với tình hình quản lý công viên, cây xanh trên địa bàn.
“Nên ứng dụng khoa học công nghệ để xác định, thiết lập danh mốc các công viên. Từ đó mới có cơ sở dữ liệu để thống nhất cho quá trình thực hiện quản lý, phân cấp”, ông Cường nhấn mạnh.