UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ban ngành và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý rác của các đơn vị xử lý rác hiện hữu và một số dự án đã có chủ trương đầu tư.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, hướng dẫn hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư của dự án xử lý rác sinh hoạt, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố ký ban hành các quyết định đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định hồ sơ quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các nhà máy xử lý rác sinh hoạt, trình hồ sơ cấp phép quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các nhà máy trước ngày 16/8/2019.
Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ xin phép xây dựng và cấp phép xây dựng cho các nhà máy trước ngày 16/8/2019. Trong quá trình thực hiện có nghiên cứu tháo gỡ, hỗ trợ tạo điều kiện sớm nhất cho các đơn vị xử lý rác có thể triển khai một số công tác cơ bản trong thi công xây dựng (bơm cát, san lấp mặt bằng, nhà xưởng kho bãi,...), nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện song song với các thủ tục pháp lý khác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành phố cũng giao Sở Công thương xem xét, thẩm định hồ sơ đề xuất bổ sung phát triển nguồn điện quốc gia cho các dự án trước ngày 16/8/2019; đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để gửi Bộ Công thương theo quy định.
Đồng thời phối hợp Tổng Công ty Điện lực thành phố xác định vị trí và chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng về điện để tiếp nhận, hòa lưới điện cho các nhà máy.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thủ tục đất đai trước ngày 16/8/2019 để bổ sung hoàn thiện pháp lý cho các dự án; phối hợp Sở Giao thông vận tải chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật giao thông trong các khu liên hợp xử lý chất thải của Thành phố đến chân tường rào các dự án nhằm đảm bảo phục vụ công tác thi công xây dựng nhà máy xử lý rác.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp Sở, ngành liên quan tiếp tục thẩm tra để hoàn thiện các nội dung liên quan đến dự án chuyển đổi công nghệ, đầu tư xử lý rác của các đơn vị; đánh giá hàng quý chi tiết kế hoạch triển khai, nếu không đáp ứng tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng nhà máy hoặc không có động thái tích cực thực hiện đầu tư dự án thì có văn bản báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành thành phố xử lý theo quy định.
Đặc biệt, chủ đầu tư các dự án xử lý rác có văn bản cam kết triển khai ngay việc xây dựng nhà máy (khi cơ quan chức năng đã cấp các thủ tục pháp lý), trong vòng 18 tháng phải hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành; chủ đầu tư chủ động liên hệ với các sở ngành chức năng để được hướng dẫn chuyên ngành, đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện kê khai, bổ sung, điều chỉnh theo đúng những hướng dẫn và quy định liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Được biết, hiện Thành phố có 3 nhà máy xử lý rác với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước) xử lý 5.000 tấn; nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar (huyện Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn.
Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mới đây, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống dưới 50%.