Nhiều khu vực của TP.HCM thường ngập nặng khi mưa to (Ảnh nguồn Internet) |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư các công trình chống úng ngập trên địa bàn. Cụ thể, nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; xây dựng và cải tạo 200 km cống thoát nước; xây dựng 3 hồ điều tiết; đầu tư xây dựng 8 cống kiểm soát triều (Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định), 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và xây dựng khoảng 12km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn.
UBND Thành phố cho biết, các dự án này sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng 550 km2 của Thành phố (lưu vực trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam) và giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm (1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp; một phần quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè).
Từ nhiều năm trở lại đây, mỗi khi xảy ra mưa lớn, kết hợp với những đợt triều cường dâng cao, nhiều khu vực tại TP.HCM như: quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Tân... lại rơi vào tình trạng ngập úng nặng nề. Nhiều tuyến đường ngập đến cả mét nước, xe cộ lưu thông hết sức khó khăn; nước tràn vào nhà khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng ngập nước trên địa bàn, TP.HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án chống ngập do mưa và triều cường. Thực tế, việc đầu tư này cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập. Tuy nhiên, khi vừa xóa điểm ngập này, nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố lại tiếp tục phát sinh điểm ngập khác, trong đó phát sinh nhiều nhất là những điểm ngập ở khu vực ngoại thành.