Cả 4 doanh nghiệp kêu cứu không phải do “chết” vì Covid-19, mà bởi tin tưởng ký kết hợp đồng khai thác thời hạn tới năm 2023, nên họ đã đổ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh. Đùng một cái, mới đây đối tác muốn thu hồi đất.
Công ty Laco và 3 doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các cơ sở kinh doanh trên khu đất của BCHQS Thủ Đức theo hợp đồng liên kết. |
Nguy cơ phá sản
Bốn doanh nghiệp tại TP.HCM gồm Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Laco (Công ty Laco, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú); Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại đá kiến trúc (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân); Công ty TNHH Dịch vụ nhà hàng Tấn Lợi (phường Linh Tây, quận Thủ Đức); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Uy Phong (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) vừa có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các bộ, ngành và cơ quan chức năng.
Theo đó, năm 2017, Ban chỉ huy quân sự quận Thủ Đức (BCHQS Thủ Đức) có một khu đất trống khoảng 2.000 m2 tại vị trí số 01 - Nguyễn Văn Lịch (phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM), cần tìm đối tác để san lấp, cải tạo khu đất và liên kết để khai thác tận thu, với mục đích vừa cải tạo khu đất, vừa có thể tận dụng khai thác làm kinh tế.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Lam, Tổng giám đốc Công ty Laco, doanh nghiệp ông hay tin đã thương thảo và 2 bên (Công ty Laco - BCHQS Thủ Đức) đã ký Hợp đồng liên kết khai thác tận thu số 05/HĐ/2017 ngày 25/4/2017 (Hợp đồng 05).
Theo đó BCHQS Thủ Đức (bên A) cho Công ty Laco (bên B) khai thác khu đất tại vị trí số 01 - Nguyễn Văn Lịch để làm kho, cây xăng, rửa xe, showroom trưng bày sản phẩm, quán cà phê, thức ăn nhanh...).
Đổi lại, bên B phải nộp cho bên A tiền khoán lợi nhuận là 40 triệu đồng/tháng trong năm đầu tiên. Năm thứ 2 sẽ tăng lên 50 triệu đồng/tháng, sau đó mỗi năm 2 bên sẽ thỏa thuận lại số tiền khoán lợi nhuận theo giá thị trường, nhưng không quá 20%.
Đáng lưu ý, tại Điều 2 của Hợp đồng quy định, hợp đồng được gia hạn tối thiểu 2 lần, mỗi lần 2 năm, như vậy, thời hạn thực hiện Hợp đồng số 05 tối thiểu là 6 năm, tức tới năm 2023 mới hết hạn.
Tin tưởng vào hợp đồng đã ký, đặc biệt thời hạn hợp đồng, Công ty Laco đã hợp tác với 3 đối tác khác, đổ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng hình thành nên quán ăn, cửa hàng trang trí xe ô tô, cửa hàng đá hoa cương.
Các cơ sở này đều có giấy phép, có kê khai và nộp thuế đầy đủ, hoạt động kinh doanh cũng phù hợp với nội dung thỏa thuận tại Điều 2 của Hợp đồng số 05.
Tuy nhiên, theo kêu cứu của cả 4 công ty thì tới năm 2019, BCHQS Thủ Đức đã nhiều lần đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
Quyết liệt nhất, từ ngày 1/7/2020, bên A thường xuyên cho nhiều người xuống các cơ sở kinh doanh để gây áp lực buộc phải đóng cửa, đồng thời dán các thông báo yêu cầu dừng hoạt động tại các địa điểm kinh doanh. Việc làm này vừa gây áp lực khiến cho nhân viên của các cơ sở hết sức lo sợ, vừa khiến hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Căn cớ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc BCHQS Thủ Đức muốn chấm dứt hợp đồng, thu hồi đất bởi xuất phát từ yêu cầu của Bộ Tư lệnh TP.HCM trước đó. Cơ quan này căn cứ chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng làm kinh tế, đã yêu cầu BCHQS Thủ Đức phải tiến hành thương thảo, thanh lý dứt điểm các hợp đồng kinh tế liên doanh liên kết đã ký với các đối tác. Thời gian thực hiện phải xong trước ngày 30/6/2020. Bởi vậy, BCHQS Thủ Đức đã yêu cầu các đối tác ngưng tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến hành tháo dỡ di rời toàn bộ con người, máy móc, thiết bị, tài sản không gắn liền với đất do BCHQS Thủ Đức quản lý.
Thế nên, liên tục BCHQS Thủ Đức gửi thông báo yêu cầu Công ty Laco nhận thanh lý, chấm dứt hợp đồng liên kết khai thác tận thu số 05/HĐ/2017.
Tại Thông báo số 24/TB-BCH ngày 11/6/2020 của BCHQS Thủ Đức thể hiện, từ ngày 4/4/2019 cho tới tháng 12/2019, BCHQS Thủ Đức đã liên tục có thông báo yêu cầu chấm dứt hợp đồng và mời Công ty Laco cùng các đối tác tới họp để thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, tới ngày 11/6/2020, Công ty Laco và đối tác vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Tới ngày 29/6/2020, Công ty Laco cùng 3 doanh nghiệp đã ngồi lại cùng BCHQS Thủ Đức để giải quyết vấn đề. Theo đó, BCHQS Thủ Đức vẫn quyết liệt yêu cầu Công ty Laco và đối tác ngưng hoạt động và di rời trước ngày 15/7/2020. Cả 4 công ty đều bức xúc cho rằng, mình không vi phạm hợp đồng, nếu di rời phá vỡ hợp đồng sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.
Công ty Laco yêu cầu bên A nếu phá vỡ hợp đồng trước thời hạn thì phải bồi thường chi phí. Tuy nhiên, theo Biên bản cuộc họp thì đại diện BCHQS Thủ Đức nêu rõ: “BCHQS Thủ Đức không có kinh phí để thực hiện việc này. BCHQS Thủ Đức cũng không có thẩm quyền giải quyết cho các đối tác hoạt động kinh doanh”.
“BCHQS Thủ Đức ký kết hợp đồng với Công ty Laco, để chúng tôi đầu tư kinh phí, cải tạo khu đất trở nên cao ráo, sạch sẽ, có thể sử dụng ngay cho các hoạt động mà không phải đầu tư thêm. Bây giờ lại yêu cầu Công ty Laco phải chuyển đi mà không đề cập đến phương án bồi thường là rất bất công với chúng tôi. Hiện nay, nhờ Việt Nam kiểm soát được Covid-19, các cở sở kinh doanh của chúng tôi cũng bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại, vậy mà lại đóng cửa thì khác gì đẩy chúng tôi tới bờ vực phá sản”, lãnh đạo một doanh nghiệp bức xúc.
Lời khẩn cầu của kẻ phải bỏ tiền túi
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Lam, tại thời điểm thỏa thuận và đi đến giao kết hợp đồng, BCHQS Thủ Đức luôn khẳng định là đã được giao quản lý, khai thác và liên kết khai thác tận thu khu đất. Hơn nữa, vị trí khu đất liên kết khai thác nằm ở mặt tiền, việc khai thác kinh doanh tại khu đất là công khai minh bạch, nên càng có cơ sở để Công ty Laco tin tưởng ký kết hợp đồng.
Theo phân tích của luật sư đại diện cho Công ty Laco và các đối tác, đây là một giao dịch dân sự có hiệu lực theo Điều 116, Điều 117, Bộ luật Dân sự 2015, do đó sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giao dịch. BCHQS Thủ Đức là một bên chủ thể luôn khẳng định được giao quyền quản lý, khai thác và được phép ký hợp đồng liên kết, liên doanh với đối tác để khai thác khu đất; Công ty Laco là doanh nghiệp, có nguồn vốn, có nhân lực, muốn đầu tư, kinh doanh. Theo đó, 2 bên ký kết hợp đồng liên kết để khai thác tận thu trên khu đất là đúng pháp luật dân sự.
Do hợp đồng có đầy đủ tính pháp lý, nên các bên phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, bên nào vi phạm nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại.
Mặt khác, tại Điều 2 của Hợp đồng 05/HĐ/2017 có quy định “Thời hạn hợp đồng được tính kể từ ngày 1/5/2017 đến hết ngày 30/4/2019. Thời hạn hợp đồng là 2 năm. Hợp đồng được gia hạn tối thiểu 2 lần, mỗi lần gia hạn là 2 năm”. Do đó, Hợp đồng số 05/HĐ/2017 mặc nhiên được xem là có hiệu lực đến ngày 30/4/2023.
Từ đó, luật sư của Công ty Laco cho rằng, việc BCHQS Thủ Đức ra thông báo thanh lý, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là việc làm đơn phương, chưa đúng quy định của pháp luật.
Kêu cứu với báo chí, Công ty Laco và các đối tác cho rằng, họ đã dồn toàn bộ tiền của và công sức vào khu đất (hơn 20 tỷ đồng), nhưng chưa khai thác được là bao, chưa thu hồi vốn.
Công ty Laco kiến nghị được xem xét giảm thiểu thiệt hại cho Công ty và 3 đối tác bằng các giải pháp.
Giải pháp thứ nhất, cho triển khai xây dựng và khai thác cây xăng phục vụ quốc phòng theo chức năng khu đất, đồng thời cho phép được tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của 3 cơ sở kinh doanh. “Công ty Laco và các đối tác sẵn sàng ký thêm các văn bản cam kết, các phụ lục để phù hợp với các yêu cầu, chủ trương mới của các cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Hoàng Thanh Lam nói.
Giải pháp thứ hai, Công ty Laco và 3 đối tác cho rằng, trong trường hợp không thể triển khai được cây xăng mà phải chấm dứt hợp đồng, thì xin phép được duy trì hoạt động của 3 cơ sở kinh doanh hiện tại đến 30/4/2023. Việc duy trì 3 cơ sở kinh doanh là để Công ty Laco và 3 doanh nghiệp liên kết có thể hạn chế các thiệt hại, đảm bảo ổn định công việc cho nhân viên.
Trường hợp bắt buộc phải thanh lý, chấm dứt hợp đồng, không được tiếp tục khai thác dưới bất kỳ hình thức nào, Công ty Laco cho hay, sẽ khởi kiện yêu cầu BCHQS Thủ Đức có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty Laco và các đối tác toàn bộ chi phí đã đầu tư trên khu đất, toàn bộ thiệt hại xảy ra do việc chấm dứt hợp đồng.
Việc tăng cường công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng làm kinh tế là chủ trương không sai của cơ quan chức năng, nhưng nếu việc kinh doanh trên đất quốc phòng không hợp pháp thì người sai đầu tiên và phải chịu trách nhiệm không phải là doanh nghiệp, mà chính là đơn vị quản lý đã ký kết hợp đồng dân sự cho thuê. Không thể bắt doanh nghiệp gánh chịu thiệt hại hoàn toàn bởi cái sai đó.