Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX – KCN) TP.HCM (HEPZA) vừa cung cấp thông tin về Đề án định hướng phát triển các KCX – KCN giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Khu công nghiệp Hiệp Phước dự kiến được TP.HCM chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái |
Đại diện của Hepza cho biết, quỹ đất dành cho phát triển các KCN của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định năm 2004 và năm 2014 chỉ có 23 KCX, KCN với tổng diện tích 5.921 ha đến nay vẫn không tăng.
Do đó, Thành phố định hướng giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các KCX, KCN hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp, nhưng tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.
Đối với các KCN có diện tích nhỏ nằm xen cài trong các khu dân cư, lõi trung tâm, Thành phố định hướng sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình, giữ lại một phần các trường hợp phù hợp theo quy hoạch, diện tích còn lại sẽ chuyển đổi, phát triển theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp. Đặc biệt, Thành phố định hướng không chuyển diện tích đất công nghiệp thành đất ở đô thị.
Về lộ trình chuyển đổi các KCN, giai đoạn 2023-2024, sẽ lập đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCN, KCX gồm KCX Tân Thuận; KCN Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, lộ trình, giải pháp chuyển đổi. Giai đoạn 2025-2030 lập đề án chuyển đổi các KCN, KCX còn lại.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban HEPZA cho biết, ngày 28/2/2023 Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có kết luận số 514-KL/TU thống nhất về định hướng chuyển đổi KCN, KCX theo nội dung Đề án. Sau khi Đề án được phê duyệt, HEPZA sẽ xây dựng chi tiết kế hoạch chuyển đổi từng KCN, KCX.