TP.Hồ Chí Minh chỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp (không được nung clinker, nghiền xi măng), nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường. |
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp Xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng không đầu tư mới các cơ sở sản xuất xi măng (bao gồm nhà máy sản xuất clinker và trạm nghiền) trên địa bàn thành phố.
Đối với các cơ sở sản xuất xi măng hiện hữu, UBND TP.HCM đề xuất di dời các nhà máy, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố theo lộ trình.
Theo đó, chỉ cho phép đặt các trạm tiếp nhận, phân phối xi măng đạt yêu cầu vệ sinh môi trường trong các khu công nghiệp (không được nung clinker, nghiền xi măng), nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động trạm tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, phân phối cho thị trường.
Hiện tại, TP.HCM có 8 doanh nghiệp sản xuất xi măng với 9 trạm nghiền, trong đó 3 nhà máy không hoạt động trong khu công nghiệp.
Thời gian qua, TP.HCM đã ra “tối hậu thư” cho Trạm nghiền Thủ Đức của Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên (Mã CK: HT1) di dời ra khỏi thành phố.
Theo đó, trạm nghiền này đã chính thức dừng hoạt động từ ngày 31/11/2016 và HT1 đã di dời phân xưởng vỏ bao về Trạm nghiền Phú Hữu, phân xưởng cát tiêu chuẩn về Trạm nghiền Long An.