Thời sự
TP.HCM lập tổ công tác đặc biệt chuyên chuyển ca Covid-19 nặng và nguy kịch
Thị Hồng - 20/07/2021 22:38
Để hỗ trợ công tác chuyển người bệnh Covid-19 trở nặng đến bệnh viện tuyến trên kịp thời góp phần giảm tỷ lệ tử vong, Sở Y tế TP.HCM vừa lập tổ công tác đặc biệt cho nhiệm vụ này.

TP.HCM đang có hơn 30.000 trường hợp Covid-19 đang điều trị tại các bệnh và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hiện nay, tổng cộng đã có 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau và hầu hết các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất, việc có thêm một tổ công tác làm cầu nối và hỗ trợ cho công tác chuyển viện giữa các bệnh viện được thuận lợi và nhanh chóng là một nhu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Từ những yêu cầu thực tiễn này, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch, hoạt động 24/7.

Tổ công tác này gồm 15 thành viên, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng, với sự hỗ trợ của lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế và lãnh đạo phòng Nghiệp Vụ Y. 

Xe chở các ca nhiễm Covid-19 sống tại khu vực đường Bùi Văn Ba, quận 7, TP.HCM đến khu cách ly tập trung (Ảnh: T.H).



Một trong những nhiệm vụ chính của tổ công tác là kịp thời nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 và các bệnh viện điều trị Covid-19; làm cầu nối giữa các bệnh viện cần chuyển và các bệnh viện tiếp nhận người bệnh (các bệnh viện thu dung điều trị và các bệnh viện hồi sức Covid-19 thuộc tầng 2, 3 và 4).

Ngoài ra, tổ công tác còn được giao nhiệm vụ kiểm tra chế độ thường trực, tính sẵn sàng tiếp nhận người bệnh Covid-19 nặng để kịp thời chấn chỉnh các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu (nếu có); cũng như kịp thời ghi nhận, giới thiệu nhân rộng những cá nhân và tập thể có cách làm hiệu quả, thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bệnh cấp cứu.

Hiện các quận huyện và Thành phố Thủ Đức đang lập các khu cách ly tập trung F0 không có triệu chứng để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19.

Với các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, chủ động rà soát các trường hợp F0 không triệu chứng, thực hiện xét nghiệm PCR vào ngày thứ 8.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị CT>= 30, tiến hành thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, cho phép người bệnh xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế nếu kết quả test nhanh ngày 10 âm tính. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá, trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TP.HCM có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống. Hiện, TP.HCM đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt.

"Với việc tham gia hỗ trợ TP.HCM trong thời gian qua, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch của TP.HCM sẽ giảm dần. Khi bắt đầu giảm dần, chúng tôi cũng sẽ đề xuất Thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà phải giảm từng bước, để đưa về trạng thái bình thường mới", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói với báo điện tử Chính phủ.

Cũng theo Thứ trưởng, trong giai đoạn này, không chỉ sàng lọc, truy vết, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch mà TP.HCM còn phải tăng cường nguồn điều trị, khu thu dung bệnh nhân cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Nếu tính đến phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì TP.HCM vẫn có thể đáp ứng được, với điều kiện có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư của Trung ương.

Tuy nhiên, Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn. Trong điều kiện này, không chỉ TPHCM mà Trung ương cũng cần có biện pháp cụ thể để hỗ trợ Thành phố.

Tin liên quan
Tin khác