Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, tính đến đầu tháng 6/2015, Sở này đã phát hiện và xử lý 160 trường hợp xe ô tô sử dụng ứng dụng phần mềm Uber để kinh doanh vận tải, với tổng số tiền xử phạt là 671,2 triệu đồng.
“Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các chủ xe kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên ngành theo quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải”, ông Minh cho biết.
Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có lượng xe cơ giới lớn nhất Việt Nam, có tới 69 trường hợp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có đăng ký kinh doanh theo quy định; 34 trường hợp chở hành khách không có phù hiệu (biển hiệu) theo quy định.
Bên cạnh đó, có 66 vụ vi phạm bị Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM xử lý, do không có danh sách hành khách, không có hợp đồng vận chuyển theo quy định; điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị vận tải ở phần đầu, mặt ngoài hai bên thân xe ô tô chở khách theo quy định.
Điều đáng nói là, hiện Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM mới chỉ nhận được ý kiến của 2/5 cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với hoạt động kinh doanh của Uber trên địa bàn gồm: Sở Công thương và Sở Tài chính.
Trong số này, Sở Công thương TP.HCM cho biết, đơn vị cung cấp ứng dụng Uber (Công ty Uber Hà Lan) thiết lập mô hình giao dịch trực tuyến, cho phép “người có nhu cầu thuê xe” chủ động tìm kiếm, lựa chọn, giao dịch với nhu cầu thuê xe. Mô hình này có đặc điểm tương tự “sàn giao dịch thương mại điện tử” đang được Bộ Công thương khẩn trương xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.
“Bộ Công thương là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thương mại điện tử nói chung, về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Công ty Uber Việt Nam nói riêng”, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, Sở Tài chính TP.HCM khẳng định, Công ty Uber Việt Nam là đơn vị kinh doanh về công nghệ theo giấy phép kinh doanh đã được UBND TP.HCM cấp và không kinh doanh vận tải. Do đó, trong thời gian qua, Uber không tiến hành kê khai giá cước như quy định đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trong khi chờ đưa ra những kết luận cuối cùng về hoạt động của Uber trên địa bàn, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát và hướng dẫn Uber Hà Lan, Uber Việt Nam chấp hành và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM được yêu cầu kiểm tra và xử lý theo quy định việc Công ty TNHH Uber Việt Nam bỏ địa chỉ kinh doanh theo giấy chứng nhận đầu tư được UBND Thành phố cấp.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư nên nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý về việc Uber Hà Lan sử dụng phần mềm để hoạt động tại Việt Nam có cần phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo pháp luật Việt Nam”, đại diện Sở Giao thông - Vận tải đề xuất.
Theo ông Minh, thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra xử lý phương tiện sử dụng phần mềm Uber để hoạt động vận tải hành khách và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải là đối tác của Uber.
“Sở sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối với các đơn vị là đối tác của Uber nếu vi phạm điều kiện kinh doanh”, ông Minh khẳng định.