Sau khi Bộ Y tế có công văn về việc phòng chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ vào ngày 21/7 và Bộ Công thương có công văn về phòng chống dịch tại các chợ vào ngày 22/7, hôm nay (24/7), Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản về việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 và đưa ra mô hình mẫu để bán thực phẩm tươi sống an toàn.
Văn bản này được gửi đến UBND Thành phố Thủ Đức cùng các quận,huyện; hai công ty quản lý chợ nông sản Thủ Đức và chợ nông sản Hóc Môn cùng các đơn vị quản lý chợ truyền thống tại TP.HCM.
Cụ thể, Sở Công thương TP.HCM đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức cùng các quận,huyện tổ chức phổ biến, triển khai đến các đơn vị quản lý chợ thực hiện đúng Công văn 5858 ngày 21/7 của Bộ Y tế.
Cùng với đó, phương án tổ chức hoạt động chợ và điểm bán nhỏ cần được tính toán, nghiên cứu các mô hình, phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với tính hình cụ thể từng địa bàn, tuân thủ nghiêm các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân.
Các đơn vị phải nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “Thẻ đi chợ” để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.
Người dân chợ Bình Thới quận 11 chờ phát đến lượt vào chợ (Ảnh minh hoạ: Q.T). |
Tuỳ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn có thể trở thành cơ sở để phân chia tần suất đi chợ: cách 02 ngày/lần hoặc cách 03 ngày/lần. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày.
Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa với tần suất 02 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phường cấp.
Đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động/làm việc, người bán hàng phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các đơn vị quản lý chợ và hộ kinh doanh cũng phải thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (theo đúng mẫu Phụ lục hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5858).
Trường hợp chợ truyền thống khi đánh giá có nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm cao thì cần rà soát khắc phục để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch sẽ phải tạm ngừng hoạt động.
Sơ đồ tham khảo về bố trí các gian hàng kinh doanh tại chợ truyền thống/điểm bán nhỏ (Nguồn: Sở Công thương TP.HCM). |
Kết quả thực hiện nội dung bản cam kết đối với đơn vị quản lý chợ, hộ kinh doanh và người lao động/làm việc, người bán hàng phải được gửi về Phòng Quản lý Thương mại – Sở Công Thương TP.HCM bằng văn bản và email qltm.sct@tphcm.gov.vn trước ngày 30/7/2021.
Đối với các đơn vị quản lý Chợ đầu mối (Thủ Đức và Hóc Môn) có 2 yêu cầu chính.
Thứ nhất, tổ chức các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại các chợ đầu mối, thực hiện theo phương án được phê duyệt.
Theo đó, tuân thủ các nội dung về địa điểm bố trí, tổ chức phân luồng giao thông, các điều kiện kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính đối với người ra vào, thời gian triển khai và ưu tiên bố trí nơi ăn, nghỉ tại chỗ cho người lao động.
Thứ hai, đơn vị quản lý 2 chợ đầu mối nêu trên phải yêu cầu hộ kinh doanh và người lao động/làm việc, thương nhân, thương lái phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Việc thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (theo đúng mẫu Phụ lục hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5858) cần được đơn vị quản lý chợ và thương nhân kinh doanh thực hiện.