Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến ngày 25/8, Thành phố mới giải ngân được hơn 19.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 28% so với kế hoạch vốn được giao là 68.490 tỷ đồng.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được đầu tư bằng vốn ngân sách TP.HCM và vốn Trung ương - Ảnh: Lê Quân |
Tính đến đầu tháng 8/2023, nhiều sở, ngành và quận huyện có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có nhiều dự án giải ngân 0 đồng. Hai dự án hiếm hoi có tỷ lệ giải ngân cao là Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp).
Mặc dù, Chủ tịch UBND TP.HCM thường xuyên ban hành các văn bản đốc thúc và họp tổ công tác tháo gỡ vướng mắc các dự án hàng tuần nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM chưa được cải thiện nhiều.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế, xã hội TP.HCM diễn ra mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, dù rất quyết liệt nhưng kết quả giải ngân không đạt được như kỳ vọng khi mới giải ngân được hơn 19.000 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch vốn thực giao là 68.490 tỷ đồng.
“Do TP.HCM đã đề nghị điều chỉnh giảm 1.700 tỷ đồng vốn ODA, nếu không điều chỉnh với số vốn đầu tư 70.518 tỷ đồng thì Thành phố mới giải ngân đạt hơn 27%” ông Mãi nói và thông tin thêm đến các sở, ngành dự họp.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đánh giá, từ nay đến cuối năm Thành phố phải giải ngân gần 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công là thách thức rất lớn.
Chỉ ra khâu vướng mắc nhất dẫn đến giải ngân đầu tư công của Thành phố chậm, ông Phan Văn Mãi cho rằng, đó là khâu giải phóng mặt bằng thực hiện chậm.
“Năm nay thành phố có 153 dự án ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới giải ngân hơn 6.300 tỷ đồng (đạt trên 35%). Trong đó có 25 dự án có số vốn bồi thường giải ngân rất thấp” ông Mãi chỉ ra vướng mắc.
Để cải thiện rút ngắn thời gian làm thủ tục giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu đích danh Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND TP.HCM, Sở Tài chính cần bám sát công việc hơn nữa để rút ngắn thời gian xuống còn 1 tuần thay vì 1 tháng.
Các chủ đầu tư cần bám sát các sở, ngành, quận, huyện để gỡ rối từng việc, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án. Ngoài ra, 4 Ban Quản lý dự án được giao thực hiện 70% vốn đầu tư công của Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân tại các dự án để kéo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm đạt 95% như tiến độ đề ra.