Ảnh minh họa |
Nhu cầu du lịch nhóm nhỏ, tới những nơi ít Người
TP.HCM vừa đưa ra Kế hoạch Phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, lộ trình phục hồi này được xây dựng dựa trên nguyên tắc “an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó” và “mở cửa thì phải an toàn”.
Đặc biệt, trong lộ trình phục hồi du lịch, chủ trương của TP.HCM là quan tâm, ưu tiên việc liên kết du lịch, trao đổi khách liên tỉnh. Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam bộ (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) để thí điểm tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín.
Để tham gia các tour này, du khách phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, hoặc là F0 đã khỏi bệnh, có xét nghiệm âm tính trước ngày đi du lịch.
Trên thực tế, tâm lý khách hàng và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là 2 thách thức lớn mà các hãng lữ hành phải giải quyết nhằm thu hút người dân đi du lịch. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Lữ hành Saigontourist đã mua bảo hiểm Covid-19 nhằm giải tỏa tâm lý lo ngại cho du khách.
“Nhân viên phục vụ an toàn, du khách an toàn, điểm đến an toàn và trên đường đi có thêm bảo hiểm phòng Covid-19, thì chúng tôi tin, nhu cầu từ thị trường sẽ quay trở lại”, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Saigontourist chia sẻ.
Cùng đề cập vấn đề nhu cầu thị trường, dẫn chứng từ thực tế khảo sát khách hàng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, khoảng 80% khách hàng được khảo sát cho biết, họ có nhu cầu đi du lịch và chỉ muốn đi theo nhóm nhỏ. Điểm đến ưa thích của họ là vùng biển hoặc khu vực nơi có mật độ dân cư thấp.
Như vậy, từ TP.HCM, du khách có thể cân nhắc một số điểm đến, như khu du lịch Hồ Tràm, Six Senses, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phan Thiết (Bình Thuận), Lâm Đồng hay Nha Trang, Phú Quốc.
Tuy nhiên, khi triển khai tour du lịch theo hình thức “1 cung đường, 2 điểm đến”, vấn đề mà các doanh nghiệp lữ hành lo ngại nhất là thiếu sự đồng bộ trong các quy định phòng, chống dịch giữa các địa phương.
“Để khai thác thương mại các tour với số lượng hàng ngàn khách, thì cần một chính sách chung và văn bản thỏa thuận rõ ràng. Như vậy, doanh nghiệp lữ hành mới có thể mạnh dạn thiết kế và mở bán tour”, ông Yên nêu quan điểm.
Kỳ vọng đón khách quốc tế từ tháng 12
Dự thảo Đề án Tổ chức đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” cuối năm 2021 và năm 2022 vừa được TP.HCM đưa ra gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2021, với việc thí điểm đón khách theo các chương trình du lịch trọn gói, khép kín thông qua các chuyến bay charter và thương mại quốc tế, qua các phương tiện du lịch đường thủy tại các khu vực, cơ sở dịch vụ được lựa chọn tại TP.HCM.
Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 1/2022, mở rộng phạm vi đón khách quốc tế, cho phép tất cả doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện theo quy định phục vụ khách đến TP.HCM thông qua các chuyến bay charter và thương mại quốc tế thường lệ, thông qua các phương tiện du lịch đường thủy.
Du khách có thể tham gia các chương trình kết hợp nhiều điểm đến sau khi đã hoàn thành chương trình du lịch tại TP.HCM trong 7 ngày (kế hoạch hiện tại là kết nối với Kiên Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh) và có thể bổ sung một số địa phương nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế.
Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế, nhưng tùy vào tình hình dịch bệnh thực tế trên địa bàn.
Tại một hội thảo trực tuyến tổ chức tuần qua, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, thời gian tới, Chính phủ nên ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những người làm công việc liên quan tới du lịch. Đồng thời, nên xem xét lùi thời gian cách ly xuống 3 - 4 ngày và du khách có thể dùng thời gian cách ly đó để du lịch trong chính khu vực khép kín.
Đây cũng là cách làm mà các công ty lữ hành đang triển khai với những chuyến bay bao trọn chuyến, đến những điểm du lịch có đầy đủ dịch vụ, tiện ích nhằm đảm bảo tour khép kín.