Điểm nóng
TP.HCM quyết dừng dự án đường dẫn cao tốc trị giá hơn 1.500 tỷ đồng
Ngô Nguyên - 10/07/2022 08:52
Không chỉ quyết chấm dứt Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trị giá hơn 1.500 tỷ đồng được chỉ định thầu cho Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, UBND TP.HCM còn kiến nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.
Quá hạn 5 năm, cỏ, cây dại đã mọc kín trụ cầu kết nối của Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Quá hạn 5 năm, chỉ đạt 12% giá trị xây lắp

Theo UBND TP.HCM, Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I) theo hình thức hợp đồng BOT là dự án trọng điểm thuộc chương trình đột phá về giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; đáp ứng nhu cầu giao thông khu vực cửa ngõ phía Tây Nam TP.HCM, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, ngày 13/10/2015, UBND TP.HCM đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo hình thức hợp đồng BOT tại Quyết định số 5097/QĐ-UBND. Theo đó, Dự án sẽ xây dựng 2 đường song hành hai bên, đáp ứng 3 làn xe mỗi bên (rộng 14,5 m), chiều dài tuyến khoảng 2,7 km (từ nút giao với Quốc lộ 1 đến nút giao với đường Tân Tạo - Chợ Đệm).

Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương; chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh. Dự án có tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8%, còn lại là vốn vay.

UBND TP.HCM giao các sở, ngành liên quan thu thập thông tin, tài liệu liên quan Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và xác định phần khối lượng đã thực hiện; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ phần nhà đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng để không bị lấn chiếm; nghiên cứu tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức BOT, xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường Vành đai 3, nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đã thực hiện. 

Dự án được khởi công năm 2015 và sẽ phải hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sau khi thực hiện nghi thức khởi công, Dự án chỉ thi công cầm chừng, tới khoảng giữa năm 2018 (tức quá hạn 1 năm), nhà đầu tư đã ngừng thi công.

Tới năm 2020 (tức quá hạn 2 năm), trước bức xúc của cử tri, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (đơn vị thay Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM giám sát dự án) cho hay, từ năm 2019, Ban Quản lý đã nhiều lần cảnh báo về việc xem xét năng lực nhà đầu tư, nhưng mọi việc vẫn… y như cũ, nên đã báo cáo UBND TP.HCM đề nghị chấm dứt dự án.

Sau đó, năm 2020, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 1063/UBND-DA, giao Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM thông báo với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án các nội dung vi phạm Hợp đồng BOT đã ký và yêu cầu khắc phục trong thời gian 90 ngày để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện.

Nhưng tới giờ này, tức quá hạn 5 năm, theo UBND TP.HCM, tổng sản lượng xây lắp Dự án chỉ đạt 140 tỷ đồng, tương đương 12% phần khối lượng xây lắp. Tại công trường, chủ đầu tư đã ngừng thi công hoàn toàn, không có thiết bị, xe, máy móc, nhân công.

Ngân hàng không tiếp tục tài trợ vốn vay

Liên quan Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, trước sự chậm trễ thi công dự án, từ ngày 14/5/2021, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có Văn bản số 4771/2021/CV gửi Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho hay, sẽ không tiếp tục tài trợ vốn vay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh).

Nguyên nhân bởi, doanh nghiệp dự án và chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài, nên đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho Ngân hàng. Trong khi đó, bên liên quan lại không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cũ; không đề xuất hay chỉ định nhà đầu tư mới khác và không thực hiện quyền tiếp nhận dự án của Bên cho vay nêu tại Hợp đồng BOT đã ký kết.

Trước thực tế Dự án triển khai chậm không đảm bảo kế hoạch, lại thêm việc Ngân hàng không tiếp tục tài trợ vốn vay, mới đây, UBND TP.HCM đã quyết định chấm dứt thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I) theo hình thức hợp đồng BOT.

Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (trụ sở tại quận 1, TP.HCM) trước đây do Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là “Út trọc” làm chủ, rồi giao bà Vũ Thị Hoan (cháu của Đinh Ngọc Hệ) làm Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Năm 2014, Công ty này trúng đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tháng 8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo đó, cơ quan công an cáo buộc, từ chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường, công ty của Đinh Ngọc Hệ đã trúng thầu quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và chiếm đoạt tiền thu phí hơn 720 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực...; lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ mục đích cá nhân, kiếm lời.
Hiện Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan và các cá nhân liên quan đang thụ án tù do các sai phạm liên quan.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngừng thực hiện các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn Thành phố; tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM theo đúng quy định trong tháng 7/2022.

Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán Dự án trong năm 2022 để sớm hoàn tất thủ tục chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký kết nhằm hạn chế phát sinh các chi phí liên quan thanh toán cho nhà đầu tư, công tác thẩm tra hồ sơ quyết toán được thuận lợi và sớm tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành, đưa công trình vào khai thác.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành và Hợp đồng BOT đã ký kết, Dự án chỉ có thể triển khai tiếp trong trường hợp chấm dứt trước thời hạn với nhà đầu tư, ngân hàng cho vay phải tiếp nhận, đề xuất nhà đầu tư mới thay thế.

Ai chịu trách nhiệm?

Báo cáo đề xuất của UBND TP.HCM không đề cập trách nhiệm của cá nhân, tổ chức phê duyệt chọn chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn I). Trong khi đó, Dự án dở dang, vật tư hư hỏng, ngân hàng khẳng định đã ảnh hưởng tới phương án tài chính. Đặc biệt, Dự án đã chậm trễ, quá hạn 5 năm, nếu tiếp tục triển khai với nhà đầu tư theo phương án TP.HCM đưa ra, thì sẽ đội vốn lớn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chính là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, sau đó được đổi tên. Đây chính là đơn vị đề xuất thực hiện Dự án theo hình thức BOT. Sau đó, tháng 3/2015, ông Nguyễn Hữu Tín với cương vị Phó chủ tịch UBND TP.HCM (đang thụ án tù do sai phạm ở nhiều vụ việc khác) đã thống nhất với đề xuất của công ty này và giao Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án theo hình thức BOT, dù trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đăng ký dự án này vào danh sách các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản (ODA) giai đoạn 2014 - 2016.

Dựa theo cơ sở đề xuất trên, Dự án sau đó được đồng ý về mặt nguyên tắc cho thực hiện theo hợp đồng BOT và căn cứ vào tính cấp bách của Dự án, TP.HCM quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án theo thẩm quyền.

Tới tháng 10/2015, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM có Báo cáo số 4860/BCTĐ-SGTVT thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Dự án, thể hiện: Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh được chấp thuận nộp hồ sơ thầu sớm hơn gian mở thầu 10 phút. Ngay sau đó, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM lập tức đóng thầu mà không chờ đến thời gian đóng thầu theo quy định vào lúc 14 giờ ngày 16/11/2015.

Trên cơ sở chọn thầu nói trên, ngày 23/10/2015, UBND TP.HCM có Quyết định số 5386/QĐ-UBND duyệt kết quả chỉ định Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh là nhà đầu tư thực hiện Dự án. Tới ngày 25/6/2016, UBND TP.HCM, đại diện bởi Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã ký kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh Hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND để thực hiện Dự án.

Kết quả là, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa phải ký văn bản khẩn công bố chấm dứt Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, đồng thời đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc.

Tin liên quan
Tin khác