Du lịch
TP.HCM: Rộn ràng Lễ hội Tết Việt 2025
Hoài Sương - 14/01/2025 07:27
Với nhiều hoạt động mừng Tết mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, Lễ hội Tết Việt 2025 hứa hẹn tạo nên không gian văn hoá rực rỡ, gợi nhiều cảm xúc trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới.

Chiều tối 13/1, Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ lần thứ 18 năm 2025 do Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức đã khai mạc trong không khí rộn ràng, phấn khởi.

Trải qua 18 năm tổ chức xuyên suốt, Lễ hội Tết Việt đã thu hút hàng trăm nghìn người dân đến thưởng ngoạn, chụp ảnh kỷ niệm và tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM chia sẻ: “Lễ hội sẽ là một không gian văn hóa rực rỡ, sinh động và gợi lên nhiều cảm xúc ấm áp, để mọi người có thể bày tỏ lòng yêu thương với gia đình và bạn bè trong khoảng thời gian chuyển giao năm cũ, năm mới.”
Điểm nhấn của Lễ hội Tết Việt năm 2025 là “ngôi nhà ngày Xuân” được xây dựng mô phỏng hình ảnh ngôi nhà sàn ở An Giang gắn với gian bếp, sân vườn đầy hoa cỏ mùa xuân mang đến không khí những ngày Tết yên bình. Ngôi nhà có chiều ngang 14 m, nối với gian bếp kéo dài khoảng 20 m, chiều sâu khoảng 12 m. Ngôi nhà được đặt ở vị trí trung tâm, đồng thời cũng là sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật xuyên suốt lễ hội, tạo sự gần gũi giữa nghệ sỹ và khán giả.
Lễ hội mang ý tưởng xuyên suốt là phố ông đồ, không gian hoa mai và làng nghề truyền thống… nhằm giữ gìn nét văn hóa xưa, đồng thời làm mới bằng nghệ thuật tạo hình, phát huy bảo tồn những giá trị cốt lõi, bản sắc của người Việt Nam.

Trong ngày đầu tiên, các ông đồ, bà đồ đang tất bật chuẩn bị bút, mực, giấy để gửi đến người dân và du khách những câu chúc tốt đẹp trong năm mới. Nhằm tạo sự mới mẻ, hứng thú cho du khách ghé tham quan, bà đồ Võ Thị Kiều Trâm đã biến tấu linh vật rắn trong năm Ất Tỵ thành các hình ảnh tươi mới kết trên bao lì xì kèm các câu chúc như bình an, thịnh vượng…

“Mình có thể biến tấu thành hình con rắn chibi hoặc là rắng ôm cục vàng, rắn đội nón lá để thể hiện sự dễ thương vui vẻ và nhìn vào linh vật đó thể hiện được năm 2025 đầy sự phấn khởi, tươi mới để quên đi sự lo lắng như mọi người thường nói và nghĩ về linh vật rắn”, Kiều Trâm chia sẻ.

Đặc biệt, không gian trên đường Phạm Ngọc Thạch được trang trí bằng hoa mai kết hợp với 5.000 cây tre sơn đỏ, không gian này không chỉ thể hiện sắc màu truyền thống của ngày Tết mà còn tượng trưng cho sự dẻo dai, kiên trì của người Việt Nam, khẳng định sự vươn mình đi lên trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Ngoài ra, lễ hội mang đến không gian làng nghề truyền thống, lấy cảm hứng và nét đẹp từ làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), làng chiếu  Định Yên (Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (An Giang)… 
Du khách trong và ngoài nước còn có thể tận hưởng không khí xuân rộn rã qua việc mua sắm, khám phá những gian hàng ẩm thực, quà lưu niệm đặc sắc tại lễ hội.
Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 sẽ diễn ra đến ngày 2/2 (mùng 5 Tết), thiết thực quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một thành phố hiện đại, đồng thời góp thêm năng lượng, tiếp thêm động lực cho Thành phố mang tên Bác bước vào kỷ nguyên mới.
Người dân và du khách chụp ảnh kỷ niệm trên con đường mai vàng ở Lễ hội Tết Việt 2025.
Nhiều bạn trẻ có mặt từ rất sớm để tham quan, lưu lại những kỷ niệm trong không khí lễ hội mùa cuối năm.
Tin liên quan
Tin khác