Ngành chế biến lương thực thực phẩm là một trong bốn ngành trọng điểm của Thành phố, chiếm gần 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp xấp xỉ 14% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân 7%/năm.
Các Sở ban ngành Thành phố đánh giá, ngành chế biến lương thực thực phẩm trên địa bàn đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
TP.HCM cũng vừa phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm trên địa bàn, giai đoạn 2020-2030 để phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn tới.
Theo đó, mục tiêu cơ bản giai đoạn 2020- 2025 là xây dựng chiến lược phát triển tin ngành chế biến lương thực thực phẩm trong giai đoạn này.
Người dân TP.HCM mua bánh mì tại ABC Bakery (Ảnh: H.Phúc). |
Ngoài ra, Thành phố sẽ xác định danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm trọng điểm; xây dựng chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 trong đó có các sản phẩm của ngành chế biến lương thực thực phẩm; tập trung phát triển nhằm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng nâng cao năng suất chất chất lượng sản phẩm đề xuất.
Thêm vào đó, TP.HCM có chủ trương xây dựng hệ thống kho lạnh kho lưu trữ kho dự trữ bảo quản cho ngành; đề xuất thí điểm cơ chế chính sách ưu đãi mới mang tính đột phá dành riêng cho các đối tượng, thực hiện các giải pháp đề án dự án trong chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM.
Trọng tâm là chính sách hỗ trợ tham gia chương trình kích cầu đầu tư, đối với các dự án đầu tư ngoài phạm vi thành phố.
Thành phố dự kiến bố trí quỹ đất phục vụ ngành chế biến lương thực thực phẩm tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ và khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Về mục tiêu cơ bản giai đoạn 2025-2030 là tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả các đề án dự án chương trình thực hiện trong 2020-2025; tiếp tục xây dựng chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố giai đoạn 2025-2030, trong đó có ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Hàng năm, tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng năm cũng như tổ chức ít nhất một sự kiện xúc tiến thương mại; triển khai xây dựng và vận hành ít nhất hai hệ thống kho lạnh, kho dự trữ và tiếp tục lựa chọn và liên kết hình thành ít nhất hai vùng nguyên liệu cho ngành,…
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), năm 2021 có những thuận lợi khi chính quyền Thành phố xác định là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.
Đây sẽ là những quyết sách quan trọng tạo sức bật hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như góp phần động lực đổi mới, tin tưởng vào sự đồng hành sát cánh của nhà nước.
Theo đó, trong năm nay, FFA sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển hội viên; tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 09/2016 quy định về sử dụng bột mì trong chế biến thực phẩm theo hướng tháo gỡ triệt để khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, FFA đã đề xuất với TP.HCM về việc thu hút đầu tư thực hiện hai đề án là Chương trình phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020- 2030 và phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu hình thành chuỗi sản xuất của ngành.
Hai dự án này được kỳ vọng tạo thành cú hích không chỉ cho sự phát triển của ngành lương thực thực phẩm Thành phố với hơn 5.500 cơ sở sản xuất (trong đó có khoảng 2.400 doanh nghiệp) mà còn tạo tác động đến cả ngành thuỷ sản.