Tiêu dùng
TP.HCM sẽ đưa thực phẩm từ nhà máy, nông trại đến tay người tiêu dùng
Thị Hồng - 14/08/2021 11:30
Từ sau ngày 15/8, Sở Công thương sẽ thực hiện chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” theo hình thức bán hàng đồng giá.

Tại buổi khai trương đồng loạt các “siêu thị mini di động”, đại diện Sở Công thương cho biết, từ sau ngày 15/8, đơn vị này sẽ phát động chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” bên cạnh việc duy trì chuỗi các “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP.HCM”.

Theo đó, Sở sẽ kết nối các đơn vị cung ứng, các tỉnh thành để đưa hàng hóa nông sản, thực phẩm phân phối trực tiếp đến người dân tại từng địa bàn dân cư cũng như người dân tại các khu phong toả, theo chương trình “bán hàng đồng giá”. 

Người dân TP.HCM mua hàng tại xe buýt "siêu thị mini di động". (Ảnh: Lê Toàn)

Để bổ trợ cho chuỗi cung ứng hàng hóa hiện có của Thành phố, Sở Công thương đã triển khai nhiều phương pháp về cung ứng nguồn hàng, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa, tổ chức huy động doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistics cùng hưởng ứng Chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân Thành phố, tham gia “Kênh phân phối bổ trợ nguồn lương thực thực phẩm cho TP.HCM”. 

Trong đó, chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” với những chiếc xe đưa hàng hóa, thực phẩm giá cả bình ổn đến người dân từng địa bàn dân cư được khởi động từ những ngày đầu TP.HCM thực hiện giảm cách toàn thành phố. 

Đến nay, chương trình đã tổ chức được 1.635 điểm bán với 2.108 lượt xe bán hàng lưu động, phân bổ trên địa bàn các quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Ban đầu chỉ là những chiếc xe tải không thường được cải tạo để mang hàng hóa đến phục vụ người dân, đến nay chương trình đã được triển khai nhân rộng với nhiều mô hình trong phương thức phân phối hàng hóa.

Từ những chiếc xe tải tải bán hàng thông thường đến các xe buýt bán thực phẩm lưu động và nay là những xe buýt được cải tạo, lắp đặt quầy kệ thành các “siêu thị mini di động” với nhiều loại sản phẩm, giá cả bình ổn. 

Người dân TP.HCM mua trái cây trong xe buýt “siêu thị mini di động”. (Ảnh: Lê Toàn)

Chiếc xe buýt “siêu thị mini di động” đầu tiên được khởi động từ ngày 6/8/2021, đến nay đã triển khai thêm 4 chiếc và sẵn sàng phục vụ người dân trên khắp địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, TP.HCM còn có chương trình huy động các nguồn lực xã hội, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng “linh hoạt” thông qua việc trưng dụng các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển.

Nhân lực của các công ty bưu chính chuyển đổi công năng tạm thời của chuỗi các cửa hàng bán lẻ thành các điểm bán lương thực, thực phẩm cho người dân với giá bình ổn.

Vào một số thời gian cao điểm, chương trình đã tổ chức hơn 1.000 điểm bán/ngày. 

Đến nay, chương trình này được tổ chức với quy mô phù hợp do tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân đang dần ổn định từ số lượng đến chất lượng.

Người dân mua rau củ tại cửa hàng bán đồ dùng cho mẹ và bé ở TP.HCM. (Ảnh: Lê Toàn)

Đồng thời, Sở Công thương TP.HCM đã triển khai chương trình huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử cùng tham gia tổ chức bán rau củ quả thực phẩm cho người dân, với sản lượng hơn 100 tấn mỗi ngày.

Các chương trình trên đều nhằm mục đích đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa của Thành phố được liên tục, ổn định. 

Người dân được cung cấp đầy đủ, kịp thời thực phẩm nhu yếu phẩm sẽ an tâm cùng cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội, cùng TP.HCM nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn trước ngày 15/9/2021.

Tin liên quan