Thời sự
TP.HCM sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp với mục tiêu “rã băng” thị trường bất động sản
Trọng Tín - 04/04/2023 11:06
Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.

Sáng 4/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tổ chức hội nghị lần thứ 20 (mở rộng) để thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị diễn ra trong thời điểm Thành phố vừa kết thúc quý I/2023 với tốc độ tăng trưởng chỉ 0,7%, mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm lại một số kết quả đạt được trong quý I/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố, thẳng thắn nhìn nhận với mức tăng trưởng 0,7% trong quý I, cần đánh giá cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

“Thị trường bất động sản đóng băng gần như 90%, ngân hàng chịu nhiều tác động, sản xuất - kinh doanh khó khăn do lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận vốn. Do đó, tăng trưởng những ngành nghề này rất thấp và nhiều dịch vụ khác gặp khó khăn”, ông Mãi nói.

Thị trường bất động sản TP.HCM đóng băng.

“Một vướng mắc, khó khăn khác, có thể coi là hạn chế, khuyết điểm của Thành phố là việc giải quyết vấn đề, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để kích đầu tư nội địa, kích sản xuất kinh doanh vẫn còn chậm. Có trường hợp chỉ một vấn đề nhưng đi ra đi vô cùng một sở rất nhiều lần vẫn không giải quyết được”, ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng trong quý II, kinh tế Thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ tác động nhiều về mặt xã hội, bởi số người mất việc nhiều hơn thì những vấn nạn tiềm ẩn, gây phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, Thành phố cần khởi động lại các trụ cột của tăng trưởng là đầu tư công, đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đến lúc Thành phố phải khai thác thị trường hơn 10 triệu dân của thành phố và thị trường trong nước.

Đối với thị trường bất động sản, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp với mục tiêu “rã băng” thị trường bất động sản, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

Ông Mãi nhìn nhận, khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.

“Chúng tôi đã yêu cầu các sở, ngành đang tồn đọng nhiều hồ sơ cần rà soát lại các dự án đang có. Các dự án cần được phân nhóm giải quyết, báo cáo lại UBND Thành phố và công bố kết quả giải quyết để người dân, doanh nghiệp theo dõi”, ông Mãi nêu giải pháp.

Thành phố vẫn xem đầu tư công là động lực quan trọng và thúc đẩy mạnh mẽ tỷ lệ giải ngân, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ.

Về công tác giải ngân đầu tư công, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết, trong năm 2023, Thành phố có 50 dự án giao thông, phải giải phóng mặt bằng 100 ha rải đều ở 12 quận, huyện, hay dự án Vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với 900 ha tổng số vốn là 40.000 tỷ.

“Thành phố sẽ đảm bảo tiến độ từng dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm, do chủ đầu tư lớn quản lý”, ông Mãi nói và đồng thời nhấn mạnh, Thành phố vẫn xem đầu tư công là động lực quan trọng và thúc đẩy mạnh mẽ tỷ lệ giải ngân, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ.

Theo đúng kế hoạch, hết quý II/2023 sẽ giải ngân 35%, quý III/2023 là 58%, quý IV là 91,5%, hết tháng 1/2024 phấn đấu đạt ít nhất 95%. Để đạt được kế hoạch này, ông Mãi mong Thành ủy xem xét chỉ đạo, nâng cao chất lượng công vụ vì hiện kết quả chưa mong muốn. Đồng thời kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo các đơn vị về công tác giải phóng mặt bằng.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Thành phố bắt đầu chậm lại khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đóng góp tăng trưởng lớn nhất đến từ khu vực thương mại dịch vụ tăng (2,07%), khu vực nông lâm thủy sản (tăng 2,06%) và %); thuế sản phẩm (tăng 1,14%).

Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80). Đáng chú ý, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.

Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng đầu bảng với mức suy giảm 16,2%. Các ngành còn lại là y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%; thông tin và truyền thông giảm 2,70% và vận tải kho bãi giảm 0,63%.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, không ngoài những dự báo, trước những tác động của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế Thành phố tiếp tục đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố không đạt chỉ tiêu.

Tin liên quan
Tin khác