Chuyển động thị trường
TP.HCM tắc nguồn cung về nhà ở
Gia Phú - 15/11/2019 10:48
Trong 2 năm gần đây, thị trường nhà ở TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, do nhiều dự án bị “đứng hình” vì không thực hiện được các thủ tục đầu tư, xây dựng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế sụt giảm nguồn cung từ năm 2018, dẫn đến giá nhà đất tăng cao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, doanh nghiệp địa ốc Thành phố đang trong cảnh vô cùng khó khăn. Từ ngày 1/7/2015 (thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP.HCM bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư.

Và từ sau ngày 7/3/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I về tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đã có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công bị tạm dừng để rà soát các thủ tục đầu tư. Đến tháng 3/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và TP.HCM đã công bố 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án chưa thể trở lại guồng quay.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế sụt giảm nguồn cung từ năm 2018, dẫn đến giá nhà đất tăng cao. Toàn thị trường chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và vừa, nhưng có một dự án đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, chiếm tỷ lệ 63%.

Ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc DRH Holings cho rằng, những dấu hiệu xấu của thị trường TP.HCM đã được dự báo từ rất lâu. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là số liệu các dự án đủ điều kiện mở bán theo công bố của Sở Xây dựng Thành phố chưa thực sự phản ánh đúng thực tế, bởi có rất nhiều dự án đã được bán “lúa non” ngay từ khi mới tung ra thị trường.

“Có rất nhiều chủ đầu tư tự tin sẽ chạy xong pháp lý dự án trong vòng vài tháng, nên đưa ra kế hoạch mở bán và huy động vốn dưới hình thức nhận đặt cọc giữ chỗ”, ông Sơn nói và phân tích, đối với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, khi thủ tục pháp lý dự án bị tắc, rất dễ dẫn tới kiện cáo, tranh chấp, gây bất ổn cho thị trường.

Theo ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, các công ty bất động sản không gặp vấn đề về lượng cầu, mà trở ngại lớn nằm ở việc vay vốn, tiếp cận quỹ đất và mở dự án mới. “Thách thức lớn nhất trong 2 năm qua là lấy được giấy phép khai thác dự án. Tôi hy vọng nút thắt này sẽ được tháo gỡ trong tương lai gần”, ông Neil Macgregor nói.

Về bản chất, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn đóng băng 2011 - 2013). Thị trường rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, mà nguyên nhân là vướng mắc tại một số quy định pháp luật và công tác thực thi pháp luật.

Ông Châu có rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát về pháp lý các dự án, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Quá trình rà soát này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Vì vậy, trừ các dự án có liên quan tới các vụ án hình sự đang được điều tra, ông Châu đề nghị, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận, để các chủ đầu tư chấp hành các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) và được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, ngoài việc Thành phố tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho các dự án, một trong những giải pháp kích cung trên thị trường hiện nay là cần có quy hoạch các khu đất lớn để phát triển các dự án nhà ở, sau đó kêu gọi doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Tin liên quan
Tin khác