Đến hết ngày 3/4, TP.HCM phải tập trung toàn bộ những người vô gia cư, đặc biệt là người cao tuổi vào các Trung tâm bảo trợ xã hội (ảnh: Lê Toàn) |
Theo đó, UBND các quận, huyện cần chú trọng tại khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn. Chủ tịch UBND quận, huyện là người chịu trách nhiệm nếu còn tình trạng các đối tượng này tiếp tục xin ăn trên địa bàn.
Đồng thời, các quận, huyện cần trang bị khẩu trang cho các đối tượng ngay khi thực hiện việc tập trung; thực hiện khai báo y tế và phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để tổ chức cách ly y tế kịp thời tại địa phương; lập danh sách các địa điểm thường xuyên có người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định; phối hợp với các quận, huyện giáp ranh để xử lý.
Công an Thành phố cần tổ chức điều tra, xử lý triệt để đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn, chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi. Riêng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố được giao ngăn chặn các trường hợp xin ăn, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách.
Trước đó, buổi trao đổi với các phóng viên về phương hướng phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM vào chiều 30/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh, TP.HCM ước lượng hàng chục ngàn người mất việc làm một phần hoặc toàn bộ. Thành phố đang vận động cán bộ, công chức giảm một nửa hoặc một phần thu nhập tăng thêm để hỗ trợ người bị tác động mất thu nhập.
“Thành ủy vừa qua có quyết định về hoạt động cán bộ, công chức, theo đó TP.HCM sẽ hỗ trợ người lao động mất thu nhập. Trong khi chờ quyết định của Chính phủ, thì việc làm này của TP.HCM là chia sẻ, là cách giúp đỡ người vô gia cư”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Thành phố không lo thiếu thực phẩm. TP.HCM luôn đảm bảo dự trữ thực phẩm ít nhất 6 tháng, thậm chí dự trữ cả 1 năm những mặt hàng thiết yếu.