Tại cuộc gặp mặt, ông Nadiem Makarim, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Gojek, đã chia sẻ với đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM về câu chuyện hình thành và phát triển của Gojek, nền tảng dịch vụ dựa trên nhu cầu và thanh toán lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là công ty khởi nghiệp giá trị nhất Indonesia.
Gojek khởi đầu năm 2010 là một tổng đài cho các đối tác xe gắn máy, tới năm 2015 chính thức ra mắt ứng dụng đầu tiên với ba dịch vụ kết nối.
Hiện, Gojek đã phát triển với tốc độ chóng mặt, cung cấp 20 dịch vụ cho người dùng, kết nối hơn hai triệu đối tác tài xế và 300 nghìn các đối tác cửa hàng. Với ba nguyên tắc xuyên suốt là Tốc độ, Đổi mới-sáng tạo, và Tác động xã hội, Gojek đã đóng góp khoảng 3,85 tỷ USD vào nền kinh tế Indonesia trong năm 2018.
Gojek bắt đầu mở rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á vào tháng 8/2018, hỗ trợ GoViet triển khai ba dịch vụ là kết nối xe gắn máy, giao nhận hàng hoá và giao nhận thức ăn tại TP.HCM và Hà Nội.
Trong buổi gặp mặt, hai bên cũng trao đổi về quan hệ hợp tác giữa Gojek và chính phủ Indonesia trong việc góp phần tạo ra cơ hội thu nhập cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và cải thiện các vấn đề về giao thông, đi lại tại khu vực thành thị thông qua việc kết nối hàng triệu đối tác tài xế và cửa hàng với người dùng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu cách áp dụng, triển khai các mô hình và giải pháp của Gojek tại Việt Nam thông qua GoViet.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng rất ấn tượng với cách Gojek bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng - Tại Jakarta, một tỷ lệ lớn người dân đang sử dụng Gojek để đi từ nhà đến ga tàu, bến xe, hoặc ngược lại tới các điểm cần đến.
“Buổi trao đổi giữa đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM với Gojek xoay quanh sức mạnh của mô hình kinh tế dựa trên hệ sinh thái, và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa khối chính phủ và khối tư nhân. Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì điều này hoàn toàn có thể được hiện thực hoá ở Việt Nam trong tương lai gần,” Bà Lê Diệp Kiều Trang, Tổng Giám đốc GoViet chia sẻ sau buổi gặp mặt.
GoViet hy vọng có thể áp dụng được mô hình của Gojek và sớm trở thành một siêu ứng dụng, kết nối giữa cung và cầu tại thị trường đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ hơn nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu hơn của người dân Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM cũng đề xuất nhiều phương án hợp tác giữa GoViet và TP.HCM nhằm phục vụ công tác quy hoạch, phát triển đô thị theo đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi nhiều vấn đề như: quản lý của nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, việc thu thuế, sử dụng người lao động, giá dịch vụ, v.v. Giới thiệu về GoViet:GoViet hiện đang hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood).
GoViet là ứng dụng đa dịch vụ theo yêu cầu với mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao đời sống người Việt. GoViet là một công ty liên kết với Gojek Group, tập đoàn công nghệ đa nền tảng lớn nhất Indonesia.
Công ty được vận hành bởi một đội ngũ ban lãnh đạo Việt Nam, cung cấp những loại hình dịch vụ đa dạng cho thị trường Việt Nam, bao gồm giao thông vận tải, vận chuyển, và giao nhận thực phẩm.
Tận dụng công nghệ, GoViet hướng đến sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, cung cấp các dịch vụ thiết yếu, khởi tạo những giá trị xã hội tích cực, cải thiện hiệu quả và năng suất một cách toàn diện.
Tháng 8/ 2019, GoViet cán mốc 100 triệu chuyến xe sau tròn một năm ra mắt, kết nối hàng triệu người dùng với 125 nghìn đối tác tài xế và 70 nghìn nhà hàng.
GoFood, được triển khai ở TP.HCM vào tháng 11/2018 và ở Hà Nội vào tháng 3/2019, đã nhanh chóng trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn, kết nối khách hàng với 70 nghìn nhà hàng, và có hơn 1 triệu món ăn trên app GoViet.