Điểm nóng
TP.HCM: Thành lập khu cách ly tạm cho người nhiễm Covid-19 tại các quận, huyện
Việt Dũng - 13/07/2021 20:57
Sở Y tế TP.HCM vừa giao các Trung tâm y tế tham mưu cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thành lập khu cách ly tạm để cách ly các trường hợp F0 trong cộng đồng.

Ngày 13/7, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố về việc đảm bảo an toàn cho người mắc bệnh Covid-19 tại các Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện có tình trạng một số Trung tâm y tế, khu cách ly chưa tuân thủ quy trình chuyển người nhiễm SARSCoV-2, gây khó khăn cho công tác chăm sóc, điều trị người bệnh tại các bệnh viện điều trị Covid-19. Đặc biệt là các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 ở tầng 1.

ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi họp chiều 13/7

Nhằm quản lý chặt chẽ tình trạng người bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trở nặng để can thiệp kịp thời, Sở Y tế đề nghị bệnh viện, Trung tâm y tế, khu cách ly tuân thủ quy trình chuyển người nhiễm SARS-CoV-2 đến các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm y tế tham mưu cho UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức thành lập khu cách ly tạm cho người nhiễm SARS-CoV-2 với quy mô từ 100-200 giường để cách ly các trường hợp F0 trong cộng đồng. 

Trong khoảng thời gian này, các đơn vị khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết trước khi chuyển đến các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, các Trung tâm y tế khai thác kỹ tiền sử bệnh lý, đánh giá tình trạng hiện tại, phân nhóm người bệnh để chuyển đến các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 phù hợp. Giấy chuyển tuyến phải ghi đầy đủ, rõ ràng thông tin người bệnh, bệnh sử, tiền sử bệnh, kết quả xét nghiệm.

Đối với các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, khẩn trương bố trí đủ số giường theo kế hoạch được giao; cập nhật số giường còn trống trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”; dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế hồi sức cấp cứu cơ bản để có thể tiến hành hồi sức cấp cứu khi người bệnh diễn tiến nặng; đồng thời phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 để chuyển người bệnh kịp thời.

Hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh tuân thủ các nguyên tắc theo dõi và điều trị chung như: nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và bổ sung vitamin…

Thông tin tại buổi họp báo chiều ngày 13/7, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, việc có nhiều trường hợp F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ sẽ không tập trung chữa trị đồng bộ mà sẽ phân tầng chữa trị. Những F0 không có triệu chứng sẽ điều trị nơi ít trang thiết bị hơn để tập trung cơ sở y tế cho các trường hợp nặng.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng thừa nhận, có tình trạng chậm di chuyển F0 đi điều trị. Nguyên do bởi từ đợt dịch đầu tiên, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số lượng này phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch khi số ca nhiễm chưa tăng cao như hiện nay.

Từ đợt dịch thứ 4, hầu hết trường hợp nhiễm biến chủng Delta nên số ca tăng nhanh. Do đó, thành phố đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong. Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị chậm hơn so với nhu cầu. Tuy nhiên, trường hợp chuyển chậm bệnh nhân không nhiều .

Phó giám đốc Sở Y tế cho biết yêu cầu đặt ra là tất cả trường hợp dương tính với SARS-CoV2 được xác định qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR được xử lý như F0. Ngành y tế tập trung truy vết càng nhanh càng tốt, và đưa bệnh nhân đến cơ sở cách ly, điều trị. Ông Hưng cho biết một số trường hợp chuyển bệnh nhân còn khó khăn nhưng không nhiều.

"Một số trường hợp F0 dù chuyển bệnh chậm, nhưng trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thì phải ưu tiên giải quyết, không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR khẳng định", ông Hưng khẳng định.

Đánh giá về tình hình dịch, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, Chỉ thị 16 không phải là "giải pháp vàng". Thành phố cật lực vận dụng thời gian này để thực hiện những giải pháp tốt nhất nhằm kiểm soát dịch mà nếu không có giãn cách xã hội sẽ khó khăn hơn. Về năng lực điều trị, ông Hưng cho biết TP.HCM có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến. 24 bệnh viện này có công suất là 44.890 giường, đang điều trị cho 16.757 bệnh nhân.

Thời gian này, ngành y tế sẽ nỗ lực cùng các quận huyện bóc tách các mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Số ca tăng lên là do tăng cường truy vết, xét nghiệm. Nếu quyết liệt thực hiện cùng với sự hợp tác của người dân, tin rằng thời gian này sẽ góp phần giải quyết được tình hình căng thẳng của dịch bệnh hiện nay.

Thông tin về chuỗi lây nhiễm tại KCX Tân Thuận, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, ngày 25/6, Thành phố phát hiện một F0 là nhân viên của một công ty trong KCX. Sau đó, ngành y tế truy vết phát hiện trên 400 ca bệnh liên quan đến KCX này. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại KCX Tân Thuận đã được khống chế, những ngày nay không phát hiện theo ca bệnh mới.
Về chuỗi lây tại công ty PouYuen, đại diện HCDC cho biết, ngày 9/6 phát hiện 1 F0, đến nay ngành y tế truy vết được 49 F0. Ngày phát hiện ca mắc gần nhất là ngày 11/7 và không phát hiện thêm ca nhiễm cho đến nay.
Đại diện HCDC cũng cho biết, từ 6h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7, TP.HCM phát hiện 1.602 ca mắc Covid-19, chủ yếu tại khu cách ly, phong tỏa. Có 8 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp gồm 1 nhân viên tại Bệnh viện Phú Nhuận, 1 nhân viên tại Bệnh viện quận 7, 1 nhân viên tại Bệnh viện Nhi đồng 2… Hiện Thành phố đang có 26 ổ dịch đang tích cực điều tra, dập dịch và đã kiểm soát 44 ổ dịch.

Tin liên quan
Tin khác